Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ tiểu thương chợ An Đông bãi thị: Chủ tịch quận 5 xin lỗi người dân

Trọng Mạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/9, Chủ tịch UBND quận 5 Phạm Quốc Huy, chủ trì buổi họp báo liên quan đến việc thương nhân chợ An Đông bãi thị ngày 19/9. Tại đây, ông Huy đã gửi lời xin lỗi đến bà con tiểu thương chợ An Đông.

 7 giờ sáng ngày 19/9, có khoảng 300 người tụ tập trước cổng chợ An Đông (quận 5) .
Theo ông Phạm Quốc Huy, 7 giờ sáng ngày 19/9, có khoảng 300 người tụ tập trước cổng chợ An Đông (quận 5) với trang phục áo thun đỏ, nón đỏ cùng với một số băng rôn như “Yêu cầu bãi bỏ hợp đồng thuê sạp vì là chợ truyền thống không thu tiền thuê quầy”, “Yêu cầu công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương”, “Yêu cầu gửi 217 tỉ đồng do tiểu thương đóng góp sửa chợ vào ngân hàng”. Ngay lập tức, Chủ tịch UBND quận 5 đã có mặt tiếp xúc với thương nhân nhưng bà con tiểu thương không đồng ý, phản đối và kêu gọi những người tụ tập di chuyển về UBND TP Hồ Chí Minh. Tại đây, Văn phòng Tiếp công dân UBND TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn của đại diện thương nhân và hẹn ngày giải quyết vào 29/9.
Ông Huy cho biết, với yêu cầu bãi bỏ hợp đồng thuê sạp, trước mắt quận 5 cho thực hiện tạm dừng thu tiền cho thuê địa điểm kinh doanh giai đoạn 2 cho đến hết ngày 31/12/2017. Theo UBND quận 5, năm 2013, Ban quản lý chợ An Đông đã lập bộ hồ sơ cho thuê sạp với 2.305 hộ, tương ứng số tiền hơn 241 tỉ đồng trong năm năm 2011-2016. Trong quá trình triển khai, Ban quản lý chợ đã ký hợp đồng cho thuê 2.300 sạp với số tiền thực thu 217 tỉ đồng. Lý do giảm so với dự kiến vì thực hiện giảm trừ 10% cho một số hộ trả đủ 100% một lần, còn thanh toán trước 50% thì được giảm 5% và 5 sạp còn trống không có người thuê. Toàn bộ số tiền 217 tỉ đồng này đã gửi trong Kho bạc Nhà nước quận 5 (bao gồm 399 triệu đồng tiền lãi ngân hàng). “Việc Ban quản lý chợ áp dụng thuế giá trị gia tăng vào tiền thuê quầy sạp Trung tâm thương mại An Đông là chưa chấp hành đúng quy định theo Luật thuế giá trị gia tăng”, ông Huy khẳng định.
 Việc có công nhận quyền sở hữu sạp hay không thì UBND quận 5 sẽ làm theo chỉ đạo sắp tới của UBND TP Hồ Chí Minh đồng loạt cho các chợ trên toàn thành phố chứ không riêng chợ An Đông.
Theo ông Huy, nhiều tiểu thương cho rằng mình được sở hữu quầy sạp nhưng khi UBND quận kiểm tra hồ sơ lưu trữ thì không tìm thấy bất cứ tài liệu nào chứng tỏ quyền sở hữu sạp của bà con. “Việc có công nhận quyền sở hữu sạp hay không thì UBND quận 5 sẽ làm theo chỉ đạo sắp tới của UBND TP Hồ Chí Minh đồng loạt cho các chợ trên toàn thành phố chứ không riêng chợ An Đông”, ông Huy nhấn mạnh.
Việc yêu cầu mang 217 tỉ của dân đóng góp để sửa chợ, bà Trương Minh Kiều, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết trước đây công ty Việt Hoa ký hợp đồng 20 năm (1991-2011) với bà con tiểu thương. Sau khi chợ được sửa chữa thì Ban quản lý chợ ký hợp đồng thuê sạp với bà con hai giai đoạn (10 năm). Giai đoạn 1 từ 2011-2016 đã thu tiền thuê sạp 217 tỉ đồng. “Chúng tôi sẽ dùng toàn bộ số tiền này để nâng cấp, sửa chữa chợ cho bà con. Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án có chậm trễ nên tôi thay mặt lãnh đạo UBND quận 5 gửi lời xin lỗi đến bà con tiểu thương chợ An Đông”, bà Kiều thừa nhận.
Cũng theo bà Kiều, quá trình sửa chữa chợ thì BQLDA Đầu tư Xây dựng Công trình quận 5 đều công khai với bà con tiểu thương. Tiểu thương cũng tham gia vào Ban giám sát, hai tuần một lần hai bên cùng phối hợp kiểm tra. “Đến nay, hệ thống cấp thoát nước đã hoàn thành. Còn hạng mục cải tạo giếng trời và nội ngoại thất chợ, khởi công ngày 15/6, cam kết 15/12 hoàn thành. Dự án sửa chữa chợ làm chậm nên gây bức xúc cho bà con nhưng chúng tôi cố gắng thi công đêm, làm ngoài giờ... để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của bà con. Hạng mục phòng cháy chữa cháy sẽ khởi công 30-9. Hệ thống xử lý nước thải và làm thang máy sẽ khởi công vào 20/11. Hệ thống điều hòa không khí sẽ khởi công 25/10. Hạng mục nâng cấp 4 mặt tiền chợ sẽ khởi công tháng 4/2018, lý do chậm vì có thay đổi thiết kế nên phải làm lại hồ sơ”, bà Kiều cho biết.
Sáng 20/9, chúng tôi có mặt tại chợ An Đông thì thấy bà con tiểu thương đã buôn bán trở lại. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Kim Hường, Nguyễn Thị Nhàn, Võ Thị Thùy Hương, ông Trần Quốc Thới, Trầm Thân Thạnh... đều cho biết việc mua sạp diễn ra từ năm 1991, lúc đó khoảng 4-5 cây vàng, mua của công ty Việt Hoa nên cho rằng thuộc sở hữu của mình chứ không phải sạp thuê. Số tiền 217 tỉ đồng là do bà con đóng góp sửa chợ chứ không phải tiền thuê sạp. Vì vậy phải trả lại cho đại diện bà con tiểu thương để giám sát việc sử dụng số tiền đó...
Được biết, chợ An Đông được xây từ năm 1951 dưới chế độ cũ. Trải qua 66 năm hoạt động, ngôi chợ này đã xuống cấp. Chợ An Đông nổi tiếng nhất Sài Gòn về bán sỉ các mặt hàng giày dép, valy, túi xách, vải sợi, quần áo may sẵn, thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, trang sức xi mạ, vàng bạc, đá quý... Doanh thu ngôi chợ này mỗi năm khoảng 3.000 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Phước Quý, Đội trưởng Đội thuế chợ An Đông, trước đây mỗi năm thu thuế được ở đây khoảng 60 tỉ đồng. Tuy nhiên từ năm 2016 tới nay, doanh thu của tiểu thương bị sụt giảm nên chỉ thu thuế được 54 tỉ đồng/năm.