Luật sư Trương Anh Tú cho biết, mới đây báo cáo của Ủy Ban ATGT Quốc gia cho thấy, trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019, toàn quốc xảy ra 147 vụ TNGT làm chết 110 người, bị thương 61 người; bình quân mỗi ngày có 27,5 người chết do TNGT. Con số này khiến cho người dân chưa hết kinh hãi thì ngay khi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm mới lại xảy ra vụ việc tài xế xe container tông 21 xe máy đang dừng đèn đỏ, kéo lê một số xe đi 150m. Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong, 18 người nhập viện khiến cho nhiều người dân càng kinh hãi.
Trong diễn biến mới nhất về vụ tai nạn kinh hoàng ở Long An, sáng 3/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bến Lức (tỉnh Long An) chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu cùng tài xế Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, ngụ ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An) cho cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC02) Công an tỉnh Long An để điều tra về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tài xế Hiếu là người lái xe đầu kéo container biển số 62C.043.48 kéo rơ móc 62R.001.08, tông vào hàng loạt xe máy dùng đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức), làm chết 4 người và 18 nạn nhân bị thương. Trong sáng cùng ngày, Hiếu đã được Cơ quan CSĐT Long An đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An để tiến hành xét nghiệm máu. Qua 2 lần kiểm tra, mỗi lần cách nhau khoảng 3 giờ, kết quả cho thấy Hiếu dương tính với heroin, âm tính với các loại ma túy tổng hợp khác. Về nồng độ cồn, lần xét nghiệm đầu tiên Hiếu có nồng độ cồn cao, lần xét nghiệm thứ 2 thì lượng cồn đã giảm.
Luật sư Trương Anh Tú phân tích, thực trạng TNGT trên cả nước trong thời gian gần đây gây ra một sự bất an lớn cho toàn xã hội chúng ta. Hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong người có chất ma túy là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật An toàn giao thông đường bộ hiện hành.
Hành vi trên của tài xế Hiếu đã có dấu hiệu rất rõ ràng của “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, để xác định đúng điều khoản làm cơ sở truy tố đối với tài xế đã gây ra vụ tai nạn thì cần phải qua quá trình điều tra để xác định chính xác hậu quả xảy ra. Nhưng chắc chắn với lỗi sử dụng ma túy và bia rượu gây tai nạn, làm chết 4 người thì mức hình phạt sẽ là rất nặng.
Luật sư cho biết, tình tiết sử dụng chất ma túy khi điều khiển xe containe có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tài xế không?
Trường hợp tài xế Phạm Thành Hiếu được xác định phạm tội như đã phân tích thì tình tiết đã sử dụng chất ma túy khi tham gia giao thông sẽ được xác định là tình tiết định khung hình phạt chứ không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự bởi lẽ: Tình tiết này đã được nhà làm luật dự liệu và xác định ngay trong điều 260 Bộ luật hình sự để xác định khung hình phạt cho người vi phạm.
Quy định tại khoản 3, Điều 260 Bộ luật hình sự, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng làm chết đến 3 người hoặc gây thiệt hại cho 3 người trở lên mà tổng thương tích của những người này từ 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì đều bị chế tài ở khung hình phạt cao nhất của tội danh là mức 15 năm tù. Đồng thời giá trị xác định cũng là 1 phần trong việc áp mức trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân bên cạnh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Nếu tài xế là người lái xe thuê thì chủ sở hữu xe phải có trách nhiệm đền bù trước các thiệt hại dân sự này rồi sau đó có thể đòi lại phần vật chất này từ tài xế...
Theo ông, có nên áp dụng những chế tài xử lý nghiêm hơn với các vi phạm về an toàn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nói chung?
Với chế tài được thiết kế trong “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tôi cho rằng cũng đã phù hợp với tình hình giao thông mới. Vấn đề của chúng ta hiện nay là phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Theo đó, chúng ta cần hết sức khắt khe trong việc thi tuyển bằng lái xe, nâng cao kiến thức của người lái xe về luật an toàn giao thông đường bộ cũng như đạo đức của người lái xe. Tuyên truyền để người tham gia giao thông tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Nhanh chóng xử lý và xử lý nghiêm những vụ việc mà người tham gia giao thông do vi phạm luật đã gây ra hậu quả cho xã hội. Chỉ có như vậy tình hình giao thông của Việt Nam mới được cải thiện.
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: “b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;...” 3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên… |