Vụ việc tại Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng: Bao giờ sẽ giải quyết dứt điểm?

Vĩnh Quân - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của ông Nguyễn Đức Thạnh – Đại diện cho các cổ đông tại Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng (Công ty tàu biển Hải Phòng) về những sai phạm của lãnh đạo công ty trong việc sử dụng con dấu giả để tẩu tán tài sản và chi tiền của công ty phục vụ cho mục đích cá nhân.

Trước những sai phạm này, các cơ quan chức năng của Hải Phòng đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua mà vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến nhiều cổ đông và người lao động trong Công ty tàu biển Hải Phòng bức xúc.

Hàng loạt sai phạm

Theo phản ánh của ông Thạnh, ngày 12/06/2012, Cơ quan CSĐT – Công an TP Hải Phòng đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự về làm, sử dụng con dấu giả của tổ chức xảy ra tại Công ty tàu biển Hải Phòng. Quyết định chỉ rõ, căn cứ kết luận giám định của Phòng khoa học hình sự - Công an TP Hải Phòng thì các hình thức con dấu trong các văn bản có chữ ký của bà Đặng Thị Hồng Hải - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty tàu biển Hải Phòng trong bộ tờ khai Hải quan điện tử số 05 ngày 3/11/2011, Công văn gửi Cục thuế TP Hải Phòng số 113/CV – CUTB ngày 10/10/2011 và hình con dấu lưu trữ tại Công an TP Hải Phòng của Công ty tàu biển Hải Phòng do ông Ngô Văn Thẳng – nguyên Tổng Giám đốc cung cấp không phải do cùng một con dấu đóng ra. Mục đích làm giả con dấu của ông Thẳng và bà Hải nhằm tẩu tán tài sản, rút tiền của công ty để chi tiêu vào việc cá nhân gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty, cổ đông và người lao động.
 Trụ sở của Công ty tàu biển Hải Phòng tại số 83 đường Trần Phú (TP Hải Phòng).
Đến ngày 21/7/2014, Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) – Công an TP Hải Phòng tiếp tục cấp dấu mới cho ông Thẳng với lý do con dấu mà ông này đang sử dụng bị sai kích cỡ. Nhân cơ hội này, ông Thẳng và bà Hải đã “ép buộc” Ngân hàng VIB gỡ bỏ phong tỏa tài khoản để tiếp tục rút tiền cơ quan nhà nước tuơng đương khoảng 1 tỷ đồng. Tiếp đó, tại bản án số 165/2011/KDTM – PT ngày 15/9/2011 của TAND Tối cao đã tuyên bác tư cách Tổng Giám đốc của ông Thẳng và tư cách Chủ tịch HĐQT của bà Hải.

Việc Cơ quan CSĐT – Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án hình sự nhưng lại chưa có quyết định khởi tố bị can và việc TAND Tối cao đã bác tư cách pháp Tổng Giám đốc của ông Thẳng và tư cách Chủ tịch HĐQT của bà Hải nhưng đến nay 2 cá nhân này vẫn tự ý ký và đóng dấu vào nhiều văn bản của công ty để trục lợi khiến cổ đông trong Công ty tàu biển Hải Phòng rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi vụ việc kéo dài đã 5 năm - ông Thạnh cho biết thêm.

Bao giờ sẽ xử lý?

Cũng theo ông Thạnh, liên quan đến những sai phạm của lãnh đạo Công ty tàu biển Hải Phòng, tại Công văn số 80/CAHP (PV11-PA81) ngày 7/3/2011 của Công an TP Hải Phòng gửi UBND TP Hải Phòng về kết quả xác minh đơn kiến nghị tại Công ty tàu biển Hải Phòng đã chỉ rõ, nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm phần vốn Nhà nước là trong quá trình thực hiện cổ phần diễn ra tại Công ty tàu biển Hải Phòng, chỉ sau gần 5 năm đã làm giảm giá trị của DN này tới 18 tỷ đồng. Từ chỗ Nhà nước đang nắm giữ 63,62% vốn điều lệ xuống còn 37,58% vốn điều lệ. Nguyên nhân do UBND TP Hải Phòng thực hiện giảm vốn cổ đông trên cơ sở thu hồi đất tại khu vực Bến Bính để xây dựng bến tàu khách nội địa. Đồng thời, việc UBND TP Hải Phòng cùng Chi cục Tài chính DN chưa thực hiện việc bàn giao tài giao tài sản cho Công ty tàu biển Hải Phòng và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đầu tư tại các DN về Tổng Công ty đầu tư & kinh doanh vốn Nhà nước là do công ty này chậm trễ trong việc quyết toán trong giai đoạn chuyển đổi từ Nhà nước sang cổ phần.

Đối với việc bà Hải (đại diện cho nhà đầu tư chiến lược Công ty Daso) đã rút toàn bộ 7 tỷ đồng tiền ký quỹ tại Ngân hàng VPBank Hải Phòng là chưa đúng quy định, gây bức xúc cho cổ đông và người lao động. Lẽ ra theo thỏa thuận và thang điểm giữa Công ty tàu biển Hải Phòng với nhà đầu tư chiến lược Daso thì nhà đầu tư chỉ được rút số tiền ký quỹ với điều kiện có sự đồng ý của công ty. Đồng thời, phải có bản cam kết tài trợ vốn vay cho dự án đầu tư trị giá 140 tỷ đồng.

Thông qua việc rút tiền ký quỹ, Công an TP Hải Phòng đề nghị xem xét vai trò, trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Xuân - cán bộ Chi cục quản lý Tài chính DN Hải Phòng và hiện là thành viên HĐQT của Công ty tàu biển Hải Phòng. Theo đó, thay vì việc giúp công ty làm ăn kinh doanh có hiệu quả thì bà Xuân không làm tốt vai trò trách nhiệm của mình đã dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh kém phát triển và gây phức tạp nội bộ trong công ty.

Tiếp đó, ngày 11/9/2012, Sở Tài Chính TP Hải Phòng có Công văn số 1048/STC-TCDN kiến nghị và đề xuất với UBND TP Hải Phòng việc chi trả cổ tức và tỷ lệ chia cổ tức năm 2010 trong điều kiện Tòa phúc thẩm đã tuyên hủy Quyết định Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua ngày 15/7/2010. Trong đó, có nội dung bầu HĐQT và Ban kiểm soát Công ty tàu biển Hải Phòng nhiệm kỳ 2010 – 2015 là trái luật, trái điều lệ công ty, gây thiệt hại cho cổ đông nhà nước. Vì vậy, đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN yêu cầu Công ty tàu biển Hải Phòng dừng ngay việc chi trả cổ tức năm 2010 (nếu có phát sinh việc chi trả). Đồng thời, đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Công an TP sớm làm rõ việc làm, sử dụng con dấu giả của tổ chức xảy ra tại công ty này.

Mặc dù các sai phạm đã được các cơ quan chức năng Hải Phòng xác minh làm rõ nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay (đã 5 năm trôi qua - PV) vụ việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các cổ đông, người lao động tại Công ty tàu biển Hải Phòng và tính nghiêm minh của pháp luật, đề nghị các cơ quan chức năng của Hải Phòng cần sớm vào cuộc để có biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc, tránh đơn thư khiếu kiện kéo dài.