Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ xóa lò gạch thủ công tại xã Ngọc Tảo: Chủ lò chưa làm hết trách nhiệm

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Năm 2014, báo Kinh tế & Đô thị có nhiều bài viết phản ánh việc ông Nguyễn Văn Sinh thuê 57.914m2 đất nông nghiệp khu Lải Cát của 67 hộ dân thôn Phú Thịnh, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ để trồng cây.

Tuy nhiên, ông Sinh không sử dụng mà cho người khác thuê để sản xuất gạch, và những năm gần đây giữa các bên xảy ra mâu thuẫn...

Hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp khu Lải Cát khó canh tác nên bị bỏ hoang.          Ảnh: Công Tâm

Do mâu thuẫn xảy ra giữa 67 hộ dân với ông Sinh và một số chủ lò gạch nên năm 2011, hàng trăm người dân đã “phong tỏa” lối ra vào khu lò gạch Lải Cát với mục đích yêu cầu chủ lò gạch phải dừng hoạt động, trả lại mặt bằng. Vì vậy, ngày 21/9/2011, UBND huyện có Quyết định số 2960/QĐ-UBND đình chỉ hoạt động sản xuất gạch, đồng thời tuyên truyền, vận động tháo dỡ công trình hoàn trả mặt bằng cho người dân, tuy nhiên chủ lò vẫn cố tình đốt gạch. Đến cuối năm 2012, khi UBND huyện quyết liệt vào cuộc giải quyết vụ việc thì các chủ lò gạch mới chịu dừng mọi hoạt động.
Quá trình khắc phục hậu quả thu dọn mặt bằng hàng ngàn mét khối gạch vỡ, công trình khác trên đất phải kéo dài đến cuối năm 2014 mới cơ bản thống nhất được giữa 67 hộ dân và ông Sinh cùng các chủ lò. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng ngàn mét vuông do mặt bằng chỉ toàn là gạch vỡ và đá sỏi, khó canh tác nên gần 2 năm qua, các hộ dân vẫn phải bỏ hoang. Mặc dù người dân yêu cầu ông Sinh phải có trách nhiệm thu dọn, hoàn trả nốt số diện tích mặt bằng này như nguyên trạng ban đầu để các hộ trồng lúa và hỗ trợ người dân thời gian qua do không sản xuất được, nhưng ông Sinh từ chối trách nhiệm.
Ông Đỗ Văn Vân, ở thôn Phú Thịnh cho rằng: “UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí cho chủ lò và UBND xã để thu dọn mặt bằng, bàn giao đất cho người dân sản xuất. Nhưng đến nay, hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp ở khu Lải Cát vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ dại um tùm, không thể canh tác được. Vụ việc tiếp tục chậm được giải quyết sẽ gây lãng phí tài nguyên đất cho Nhà nước và Nhân dân, ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo Nguyễn Trung Tình cho biết: “Ngày 7/3/2016, UBND xã tiếp tục tổ chức hòa giải giữa các bên nhưng không thành. Đây là vụ việc tranh chấp dân sự trong việc thỏa thuận thuê đất nông nghiệp làm mặt bằng sản xuất gạch nhiều năm qua đã được địa phương vào cuộc giải quyết xong cơ bản các nội dung. Tuy nhiên, đến nay, giữa các bên vẫn chưa thống nhất để giải quyết dứt điểm vụ việc, gây mất an ninh trật tự cho địa phương nên UBND xã báo cáo để UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn khẳng định, để ổn định tình hình, UBND huyện đã giao cho UBND xã cùng các phòng, ban chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho người dân sớm đi đến thống nhất, giải quyết dứt điểm vụ việc tranh chấp dân sự. Vừa qua, UBND huyện và UBND xã đã làm hết trách nhiệm trong việc hỗ trợ giải quyết vụ việc này để cải tạo lại mặt bằng. Thời gian tới, nếu các bên không thống nhất được hướng giải quyết vụ việc, cơ quan chuyên môn của huyện cùng UBND xã sẽ hướng dẫn người dân gửi đơn ra tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật. Từ bây giờ, các cấp, ngành của huyện sẽ từ chối thụ lý đơn của người dân để giải quyết vụ việc. “Người dân nên tỉnh táo hơn trong việc nhìn nhận, đánh giá, thống nhất giải quyết vụ việc với ông Sinh cũng như các chủ lò gạch, tránh để bị người khác lợi dụng…” - ông Tuấn khuyến cáo.