Vụ “Xử các nguyên lãnh đạo Trustbank”: Vay 650 tỷ để trả ông Trần Quí Thanh và Hứa Thị Phấn

Bài, ảnh: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đó là khẳng định của bị án Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tại phiên tòa xét xử các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank – tiền thân của VNCB).

Không có việc chung chi để vay 650 tỷ đồng
Ngày 3/5, TAND TP Hồ Chí Minh bước sang ngày thứ 2 phiên xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với 7 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Trustbank.
Bị án Phạm Công Danh được trích xuất đến phiên tòa này với tư cách liên quan.
Tại tòa, bị cáo Phan Thị Quỳnh Ngân (nguyên Trưởng phòng Pháp chế Trustbank) nói có biết số dư nợ năm 2011, vì Trustbank chia sẻ công khai trên mạng nội bộ ngân hàng. Còn dư nợ năm 2012, bị cáo không biết, chỉ có Ban điều hành ngân hàng được biết. Thời điểm ký biên bản duyệt cho 2 Công ty TNHH MTV Thương mại – dịch vụ - Xây dựng Thịnh Quốc (Công ty Thịnh Quốc – vay 370 tỷ đồng - PV) và Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Đại Hoàng Phương (Công ty Đại Hoàng Phương –vay 280 tỷ đồng - PV) do Phạm Công Danh (lúc đó là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh) vay 650 tỷ đồng, bị cáo không biết là của Danh và hoàn toàn không hưởng lợi bất cứ đồng nào từ việc ký vào 2 hồ sơ cho vay nêu trên. “Với chức Trưởng phòng Pháp chế, tôi cũng không có nghĩa vụ phải thông báo các khoản vay của 2 hồ sơ đó cho các cổ đông biết”, bị cáo Ngân trả lời luật sư.
Còn tất cả các bị án được triệu tập đến tòa với tư cách liên quan, gồm: Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh,nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), Phan Thành Mai… đều khẳng định không có việc chi tiền cho các bị cáo trong vụ án này để được vay 650 tỷ đồng. “Lúc đó tôi chỉ là khách hàng của Trustbank thì làm gì có quyền chỉ đạo các bị cáo cho tôi vay tiền”, bị án Danh, nói.
650 tỷ đã được xác định tại bản án sơ thẩm giai đoạn 1
Luật sư Lê Văn Nam (bảo vệ cho bị cáo Lâm Hồng Trinh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Trustbank) đặt vấn đề số tiền 650 tỷ đồng sau khi vay đã đi về đâu? Ý kiến của bị án thế nào đối với trách nhiệm dân sự là khắc phục hậu quả? Bị án Phạm Công Danh, trả lời: “Thời điểm đó tôi vay cho Tập đoàn Thiên Thanh để chi lãi ngoài cho các khoản vay. Dòng tiền đi đâu, bị án Phan Thành Mai nắm rõ. Còn việc khắc phục hậu quả, tôi mong HĐXX phiên tòa này xem xét thu hồi những dòng tiền đã trả lãi ngoài. Trong quá trình thụ án, tôi nghe nói đất ở TP Đà Nẵng hiện nay lên rất cao, nếu cho tôi cơ hội đem bán sẽ khăc phục được hậu quả mà các bản án của giai đoạn I và giai đoạn II đã tuyên”.
Về số tiền 650 tỷ đồng, bị án Phan Thành Mai khẳng định: “Sau khi 2 công ty nêu trên vay, số tiền này được chuyển trả cho nhóm ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát) 500 tỷ đồng; trả nhóm bà Hứa Thị Phấn 135 tỷ đồng, 15 tỷ đồng còn lại dùng để chăm sóc khách hàng của Tập đoàn Thiên Thanh. Việc chuyển trả những người nêu trên đều thể hiện rõ trên các chứng từ, hồ sơ và đã nộp đầy đủ cho cơ quan điều tra. Khi vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xét xử giai đoạn I, tại bản án sơ thẩm ngày 9/9/2016 đã tuyên thu hồi trên 300 tỷ đồng. Nay tôi mong HĐXX phiên tòa này thu thêm từ ông Thanh và bà Phấn để khắc phục hậu quả vì số tiền này là vật chứng vụ án”.
Sẽ định giá lại khi bán tài sản kê biên
Đối với việc chênh lệch hàng trăm tỷ đồng giữa 2 lần thẩm định giá tài sản, bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Trustbank), nói “Việc thẩm định giá do thỏa thuận giữa khách vay tiền với các chi nhánh ngân hàng. Trong trường hợp 2 công ty của Danh vay số tiền lớn (650 tỷ đồng), và tài sản là khu đất ở sân vận động có giá trị cao nên phải thẩm định giá nên chúng tôi thuê Công ty DATC – Bộ Tài chính tiến hành thẩm định. Thời điểm đó phía Phạm Công Danh có thuê một công ty khác thẩm định giá. Do nghi ngờ tính xác thực nên Trustbank thuê DATC. Nếu để ông Danh thuê công ty thẩm định giá thì chúng tôi đã bị khởi tố chung với ông Danh từ lâu rồi”.
Còn đại diện Công ty CP thông tin và Thẩm định giá miền Nam, cho rằng cơ sở để thẩm định giá khu đất do Phạm Công Danh dùng làm tài sản đảm bảo là dựa trên tài liệu do VNCB cung cấp, dùng phương pháp so sánh để định giá là 178,8 tỷ đồng. Tất cả tài liệu dùng để định giá đã được nộp cho tòa án. Riêng đại diện của CBbank (đơn vị được mua lại VNCB 0 đồng), trả lời: “Theo quy định của pháp luật trược khi phát mãi tài sản nào đó đang bị kê biên, buộc phải thẩm định giá lại”.