Vừa bắt đầu, thỏa thuận ngừng bắn Syria đã bị nghi ngờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu có hiệu lực vào 5h sáng ngày 27/2, lệnh ngừng bắn tại Syria đã đối diện nhiều nguy cơ vi phạm khi một số vụ nã pháo nhỏ lẻ vẫn diễn ra ở các khu vực cư dân nước này.

Đối tượng của lệnh ngừng bắn bao gồm các lực lượng chính phủ và nổi dậy, tuy nhiên vẫn duy trì tấn công vào các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc liên quan tới Al-Qaeda.

Vài giờ sau khi lệnh này có hiệu lực, một trận bom xe đã khiến 2 người thiệt mạng bên ngoài thị trấn Salamiyeh, gần TP Hama. Một số vụ giao tranh cấp thấp khác cũng được ghi nhận xảy ra giữa các nhóm nổi dậy và lực lượng chính quyền.
Vừa bắt đầu, thỏa thuận ngừng bắn Syria đã bị nghi ngờ - Ảnh 1
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc (LHQ) Samantha Power thừa nhận có một số nghi ngại về khả năng ngừng bắn, nhưng cũng cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để giảm thiểu bạo lực.

Nga cũng đã ngừng các cuộc không kích họ từng khẳng định sẽ tồn tại song song với lệnh ngừng bắn. Các chiến đấu cơ Nga đã không cất cánh trong ngày đầu ngừng bắn để tránh nhằm vào các mục tiêu sai lầm, theo giới chức Nga.

Tuy nhiên người phát ngôn chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ lo ngại thỏa thuận ngừng bắn có thể sụp đổ nếu quân đội Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục mở các chiến dịch “chống khủng bố” với sự hỗ trợ của không quân Nga.

Trong cuộc họp báo tại Geneva, Đại sứ LHQ về Syria Staffan de Mistura thông báo, đàm phán hòa bình Syria sẽ được nối lại vào ngày 7/3 tới nếu thỏa thuận ngừng bắn không bị xâm phạm. Ông cũng cho biết, một nhóm đặc nhiệm của LHQ đã họp để giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn.

Thỏa thuận ngừng bắn được Mỹ và Nga giám sát từ các trung tâm tại Washington (Mỹ), Moscow (Nga), Amman (Jordan), Latakia (Syria) và trụ sở LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần