Vụ Đông Xuân 2019 – 2020, gia đình anh Lê Văn Vượng ở xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) canh tác 4 sào hoa cúc để phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc vào dịp Tết Thanh Minh (tháng 3 âm lịch). Dù vậy, đến thời điểm này, vẫn chưa có thương lái đến đặt mua hàng để đưa đi xuất khẩu.
Không chỉ hộ anh Vượng, nhiều nông dân trồng hoa cúc tại các xã: Đại Thịnh, Tiền Phong, Mê Linh, Văn Khê…, cũng bày tỏ lo ngại về việc dịch nCoV có thể khiến hoa cúc gặp khó trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thực tế, việc tiêu thụ hoa cúc sang thị trường Trung Quốc phụ thuộc vào một vài thương lái trên địa bàn huyện Mê Linh. Tuy nhiên, việc tiêu thụ không ổn định, phụ thuộc vào nhu cầu của người dân phía Trung Quốc theo từng năm.
“Dịch nCoV sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc giảm mạnh. Do đó, việc xuất khẩu hoa cúc sang thị trường này để phục vụ Tết Thanh Minh sắp tới có thể gặp nhiều khó khăn…” – một nông dân trồng hoa ở xã Đại Thịnh nhận định tình hình.
Mặc dù vậy, nhiều nông dân vẫn tỏ ra khá lạc quan, bởi những diện tích hoa cúc có thế tiêu thụ trong nước. Thực tế, nhu cầu trong nước hiện vẫn lớn và giá cả cũng tương đối tốt.
Theo thống kê, toàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 140ha trồng hoa cúc, tập trung chủ yếu tại các xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê, Tam Đồng… So với các loại hoa khác như: Hồng, Ly…, hoa cúc có suất đầu tư thấp hơn, nhưng cho năng suất và giá trị ổn định hơn.
Cùng với cung ứng cho thị trường trong nước hàng chục triệu bông hoa cúc mỗi năm, hàng năm, bà con nông dân huyện Mê Linh còn xuất đi Trung Quốc hàng triệu bông hoa cúc, chủ yếu phục vụ lễ hội sau Tết Nguyên đán và Tết Thanh Minh.