Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vừa qua Tết, Cà Mau đã lo hạn hán xâm nhập mặn

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có thể diễn ra gay gắt năm 2025, tỉnh Cà Mau vừa ban hành phương án ứng phó với thiên tai này theo cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh.

Mùa khô năm 2023 - 2024, hạn hán đã gây ra sụt lún và sạt lở 730 vị trí với tổng chiều dài hơn 19 km đường giao thông (Hoàng Nam)
Mùa khô năm 2023 - 2024, hạn hán đã gây ra sụt lún và sạt lở 730 vị trí với tổng chiều dài hơn 19 km đường giao thông (Hoàng Nam)

Là địa phương chịu thiệt kép 

Theo đánh giá của các cơ quan khí tượng thủy văn, trong thời gian tới tình hình hạn hán nói chung sẽ còn gay gắt hơn nữa do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu dưới tác động của biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn nếu không có giải pháp phòng, chống hợp lý. Hạn hán, cùng với xâm nhập mặn vùng ngọt sâu nội đồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.

Là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không phân bổ nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn như các tỉnh trong vùng. Đời sống, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt xảy ra, nhất là khó khăn về nước sinh hoạt. Đặc biệt là ở các khu vực thuộc vùng ngọt thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau, các khu vực ven biển, đảo và hải đảo, vùng nông thôn. Chính vì vậy, khi xảy ra hạn hán xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL, Cà Mau luôn là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, thiệt hại do hạn hán gây ra trong mùa khô năm 2023 - 2024 đã gây ra sụt lún và sạt lở 730 vị trí với tổng chiều dài hơn 19km, trong đó lộ bê tông gần 15km và hơn 4km lộ đất; có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Ngoài ra, diện tích cua nuôi quảng canh kết hợp bị bệnh gần 8.000 ha; diện tích nuôi tôm quản canh cải tiến bị bệnh, thiệt hại từ 35-75% là gần 20.000 ha; xảy ra 02 vụ cháy rừng làm thiệt hại 1,54 ha rừng. Ước thiệt hại do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau là trên 28 tỷ đồng.

Chủ động ứng phó với hạn mặn

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn mặn, đồng thời góp phần nâng cao năng lực, chủ động, kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng, chống hạn hán; xâm nhập mặn vùng ngọt theo các cấp độ rủi ro của các ngành, các cấp và người dân; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt gây ra trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã ban hành phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2025. Mục tiêu cụ thể của phương án, đó là 100% các hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô chủ động mua sắm hoặc được hỗ trợ dụng cụ chứa nước và có kế hoạch trữ nước đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu trong mùa khô. 100% người dân được hướng dẫn phương pháp sử dụng tiết kiệm nước, bảo vệ sản xuất, chăm sóc sức khoẻ bản thân và không để xảy ra thiệt hại về sản xuất do người dân không tuân thủ hướng dẫn, khuyến cáo về lịch thời vụ, giống cây trồng, vật nuôi. Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng.

Về lâu dài, trong những mùa khô các năm tiếp theo: Các công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng, nâng cấp đáp ứng 100% yêu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân; không có hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô; kỹ năng ứng phó hạn hán, thiếu nước của các cấp, các ngành và người dân được nâng cao. Trong cùng điều kiện thời tiết, thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm sau giảm so với năm trước; các công trình phòng, chống hạn hán; xâm nhập mặn vùng ngọt dần được đầu tư hoàn thiện đảm bảo chủ động trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nước phục vụ sản xuất và phòng, cháy chữa cháy.

Vừa qua Tết, Cà Mau đã lo hạn hán xâm nhập mặn - Ảnh 1Hạn hán trong mùa khô năm 2023 - 2024 đã làm 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán (Hoàng Nam).

Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết cũng như thường xuyên kiểm tra tình hình nguồn nước, dự báo mặn để kịp thời cập nhật và điều chỉnh các kịch bản ứng phó với hạn hán, thiếu nước cũng như xâm nhập mặn đảm bảo sát với thực tế theo phương châm 4 tại chỗ là: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và hợp lý thì ngành chức năng tỉnh, Cà Mau còn triển khai thực hiện công tác ứng phó với hạn hán xâm nhập mặn vùng ngọt theo nguyên tắc: ưu tiên nước sinh hoạt, nước phòng cháy và chữa cháy rừng. Khuyến cáo nhân dân không sản xuất ở những nơi có nguy cơ thiếu nước hoặc chuyển sang sản xuất các loài cây trồng phù hợp. Ngoài trữ nước vào cuối mùa mưa để dùng trong sinh hoạt khi mùa khô đến, ngành chức năng Cà Mau còn yêu cầu các lực lượng vận hành hiệu quả công trình ngăn mặn,...

“Mục tiêu của phương án là nhằm nâng cao năng lực, thực hiện chủ động, kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng chống hạn hán; xâm nhập mặn ở vùng ngọt để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng và thiệt hại cho nhân dân” – ông Phan Hoàng Vũ nhấn mạnh.