“Vua quạt đất Bắc” và giấc mơ viết sách truyền lửa

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tôi muốn viết một cuốn sách, suy ngẫm lại 30 năm lăn lộn trên thương trường, những bài học đắt giá trên hành trình xây dựng nên thương hiệu Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh” - CEO Trần Văn Lê chia sẻ.

Sau 23 năm xây dựng thương hiệu Phương Linh, CEO Trần Văn Lê đã có thể yên tâm lùi một bước, chuyển giao quyền điều hành cho con trai Trần Vũ Linh vừa du học ở nước ngoài về.

Mới đây, CEO Trần Văn Lê còn vui vẻ nhận lời tham gia Ban cố vấn CLB Trí thức và Doanh nhân trẻ Lam Hồng do nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng đứng đầu.

Trong lễ ra mắt CLB Trí thức và Doanh nhân trẻ Lam Hồng mới đây, ông chia sẻ: “Nền kinh tế dần sẽ không còn tồn tại ở dạng hành chính, quan liêu bao cấp nữa, nền kinh tế thị trường đang chi phối toàn bộ nền kinh tế của chúng ta. Đội ngũ trí thức và doanh nhân có thể nói hai mà một, một mà hai. Để trở thành một doanh nhân thực sự phải có tài và có tâm thì mới nói tới sự bền vững. Đã đến lúc thế hệ CEO đi trước có trách nhiệm dìu dắt, hướng dẫn thế hệ đàn em”.

Triết lý kinh doanh của CEO Trần Văn Lê. Ảnh TA
Triết lý kinh doanh của CEO Trần Văn Lê. Ảnh TA

Đi lên từ hai bàn tay trắng

CEO Trần Văn Lê được biết đến là người sáng lập, điều hành thương hiệu Phương Linh, chuyên sản xuất quạt công nghiệp nổi tiếng được thành lập từ tháng 6 năm 2020.

Con đường để doanh nhân Trần Văn Lê được Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam trao tặng giải thưởng Bạch Thái Bưởi và danh hiệu Doanh nhân đất Việt thế kỷ 21 (năm 2006) không chỉ trải đầy hoa hồng. Đã không biết bao lần nước mắt (thậm chí cả máu) của ông và người thân đã đổ xuống, nhiều lần tưởng trắng tay gục ngã, nhưng ông vẫn gượng dậy, vươn lên.

Ông Trần Văn Lê sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có 5 anh em ở vùng đất Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nổi tiếng bởi sơn thủy, hữu tình, tuy nhiên, đây lại là vùng đất “tứ tắc”, bị che lấp bốn bề.

Việc thông thương của quê ông chủ yếu nhờ những bến đò ngang, mãi đến năm 1995 toàn huyện vẫn chưa có đường nhựa. Rời ghế nhà trường, ông vào quân ngũ và đề cử dự tuyển và thi đỗ vào trường kỹ thuật của Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Nhờ những thành tích trong học tập và rèn luyện, ông Trần Văn Lê vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Sau thời gian công tác tại một đơn vị kinh tế của Tổng cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng, vợ chồng ông xin ra ngoài để lập nghiệp với bàn tay trắng nhưng với một quyết tâm làm giàu, đổi đời.

Cuộc sống của người đàn ông xứ Nghệ thập kỷ 80 của thế kỷ trước gắn liền với những chuyến xe đường dài Nghệ An-Hà Nội, và các địa điểm: Chợ Đồng Xuân, chợ Ngã Tư sở (Hà Nội), chợ Dùng, chợ Chiều (Thanh Chương, Nghệ An)… với đủ món hàng lạc, đậu, quần áo, nấm hương, mộc nhĩ.

Người thân tưởng chừng như cuộc đời của vợ chồng gã buôn đường dài Trần Văn Lê sẽ gắn liền với những cú đánh quả để kiếm đồng lời thì ông lại âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch lớn.

Năm 1991, ông bất ngờ đăng ký khóa học 3 tháng Quản trị kinh doanh cho các CEO tại trường Đại học Kinh tế quốc dân trong sự ngỡ ngàng của vợ con và người thân. “Nhà cửa chưa ổn định, đến ăn còn chưa đủ, lại đi vay mượn tốn hơn 1 chỉ vàng đóng học phí, lao đầu vào học hành để làm gì?” - người vợ đầu ấp, tay gối cứ suốt ngày “tra tấn” chồng.

CEO Lê- Một doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Ảnh TA
CEO Lê- Một doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Ảnh TA

Vẫn thấu hiểu “phi thương bất phú” nhưng sau khi được mở tầm kiến thức, ông Trần Văn Lê đã chuyển từ “buôn vặt” tập trung sang lĩnh vực kinh doanh đồ cũ, máy móc hỏng, phế liệu.

Cầm trong tay những chiếc máy bơm, quạt gió, mô-tơ cũ người đàn ông xứ Nghệ ấy mới hiểu, nếu có kiến thức biến những thiết bị “đã chết” này hoạt động trở lại sẽ còn kiếm lời nhiều hơn làm “đầu nậu” buôn bán sang tay, vừa vất vả mà chả được bao nhiều, ráo mồ hôi là hết tiền.

Cổng trường Đại học Bách khoa là cái đích mà chàng trai xuất thân từ quê “nhút mặn, cà chua”, nối tiếp hành trình suốt đời học, đọc để nâng cao kiến thức.

Thành công nhờ đọc và học

Có kiến thức kỹ thuật, ông chủ Trần Văn Lê đã biết cách phân loại các lô hàng, nhìn qua biết máy ngon thì cất đi, thay pin, lau dầu, bảo dưỡng rồi mới bán, còn những cái cũ thì hì hụi tháo ra lấy thiết bị phụ tùng. Có tiền trong tay, lại vốn máu làm giàu, chấp nhận “được ăn cả, ngã về không”, ông Lê mở rộng địa bàn, bao lô hàng ngàn động cơ tàu biển thanh lý hết niên hạn.

Dấu chân ông có mặt khắp các phi vụ đấu giá ở miền Bắc, rồi cả nước… cả trình độ tay nghề kỹ thuật lẫn đầu óc kinh doanh của ông chủ mới nổi đều thay đổi đáng kinh ngạc. Đổi lại, ông mất 1 ngón tay trong một lần tháo động cơ. Ngón tay cái ấy như một kỷ niệm khó quên trong 30 năm lăn lộn thương trường.

Ông Lê mãi mãi chỉ là “ông chủ đồng nát” Hà Thành nếu như không có sự kiện Đông Âu sụp đổ 1989, kéo theo sự khan hiếm động cơ, thiết bị và một quyết định mang ý nghĩa cuộc đời.

Tháng 6 năm 2000, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phương Linh (sau này đổi tên thành Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh) chính thức ra đời với vẻn vẹn 10 công nhân, và định hướng chọn mặt hàng quạt công nghiệp làm sản phẩm chủ lực.

Gần 10 năm “chinh chiến”, đọc kỹ các quy định pháp luật về môi trường ông biết rõ nhu cầu về thông gió, hút bụi xử lý môi trường của Việt Nam tăng cao. Trong khi đó thiết bị từ châu Âu thì đắt, mà cũng khó kiếm, thiết bị Trung Quốc thì chất lượng thấp. Có nên “liều một phen” hay không?

Trao học bổng cho sinh viên. Ảnh TL
Trao học bổng cho sinh viên. Ảnh TL

Một quyết định mang tính lịch sử mà vợ con, người thân đầy lo lắng khi ông Lê chơi “canh bạc lớn”, lập công ty kinh doanh. Phương Linh sẽ đi vào thị trường ngách đó, giá sẽ rẻ hơn thiết bị xuất xứ châu Âu, còn chất lượng sẽ phải tốt hơn hàng Trung Quốc.

Một tư duy thị trường mà sau này khi trở thành CEO thành đạt, nhiều lần xuất hiện trên các chương trình truyền hình, báo chí anh phải thừa nhận, nó có được nhờ anh đã đọc hàng trăm cuốn sách cũng như theo hơn 20 khóa đào tạo ngắn hạn có, dài hạn có. Trong đó, tấm bằng kỹ sư Bách khoa và những sự hỗ trợ của các thầy Bách khoa là yếu tố quan trọng nhất để có CEO Trần Văn Lê hôm nay.

23 năm trưởng thành đến giờ, Phương Linh đã sản xuất hầu hết các loại quạt công nghiệp và thay thế được hàng nhập khẩu. Sản phẩm có mặt ở hầu hết mọi miền đất nước và đặc biệt ở những công trình trọng điểm quốc gia, các khu công nghiệp lớn Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội được khách hàng nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…  đón nhận và đánh giá cao. Quạt Phương Linh đã đạt đẳng cấp quốc tế.

Vĩ thanh

Danh hiệu “vua quạt đất Bắc” được xuất hiện sau khi anh được nhận Huy chương vàng Hàng Việt Nam chất lượng cao của Bộ Công nghiệp (năm 2002) Bằng khen của UBND TP Hà Nội (năm 2005); Cúp Vàng TopTen - Sản phẩm thương hiệu Việt uy tín, chất lượng của năm do Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam trao tặng (năm 2006); Giải thưởng “Thương hiệu mạnh Việt Nam” do Bộ Công Thương trao tặng (năm 2008)…

Không chỉ nối tiếng trong kinh doanh, CEO Trần Văn Lê còn đồng hành với nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện của TP Hà Nội trong nhiều năm qua. Người truyền lửa văn hóa đọc sách cho đồng nghiệp, bạn bè…

 

“Hạnh phúc là làm được điều mà mình mơ ước” CEO Trần Văn Lê tâm sự. Đây là thời điểm mà ông muốn truyền lửa cho con trai mình và thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam đang dấn thân vào thương trường.

Ông tin rằng cuốn sách mà mình đang ấp ủ sẽ mở ra cho thế hệ sau “Một chặng đường mới, hiện đại hơn, đẳng cấp hơn, rộng mở hơn” trong quá trình hội nhập, điều ông và Phương Linh hiện nay đang tham vọng và nỗ lực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần