Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán 26/7, VN-Index giảm 3,43 điểm (0,29%) xuống 1.185,07 điểm, HNX-Index giảm 2,5 điểm (0,88%) về 282,88 điểm, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (0,07%) lên 88,41 điểm.
Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp khi dòng tiền vẫn “kiên trì” đứng ngoài thị trường, với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 11,6 nghìn tỷ đồng.
Trong phiên này, VIC, VNM, HPG, REE gây áp lực giảm điểm cho chỉ số. VIC giảm mạnh kéo tụt 1,1 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, vai trò nâng đỡ điểm số gọi tên VCB, MSN, SAB.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên 26/7 phân hoá khá mạnh, song sắc xanh vẫn lan tỏa một số cổ phiếu VCB, LPB, BID… Chiều ngược lại, đà giảm cũng xuất hiện tại một số cổ phiếu như TPB, EIB, OCB, TCB…
Áp lực điều chỉnh vẫn xuất hiện tại nhóm cổ phiếu chứng khoán sau những thông tin không mấy tích cực về kết quả kinh doanh. Nhiều công ty chứng khoán ghi nhận tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ trước biến động tiêu cực của thị trường trong quý 2 vừa qua. Theo đó, sắc đỏ bao trùm gần hết nhóm cổ phiếu chứng khoán với loạt mã giảm sâu trên 2% như VCI, VND, CTS...
Đáng chú ý, nhóm thép giảm mạnh trong phiên này, HPG giảm 1,1%; NKG và HSG còn giảm sâu hơn với biên độ trên 5%. "Ông lớn" HPG cũng nằm trong top cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường sau thông tin lợi nhuận giảm mạnh được công bố.
Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát vừa cho biết doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 37.714 tỷ đồng trong quý II vừa qua, nhỉnh hơn cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 4.023 tỷ đồng, giảm gần 59%. Đây là mức lãi thấp nhất của Hòa Phát kể từ quý III/2020.
Với đà lao dốc của cổ phiếu HPG hiện nay, Hoà Phát đã rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán đã dần bước qua những “khủng hoảng” vì thông tin xấu, bắt đầu ổn định trở lại. Điều đó cũng nhờ việc xử lý mạnh tay của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm tạo ra một kênh đầu tư an toàn cho người dân. Thời gian gần đây, cơ quan này đã liên tục ban hành các quyết định xử phạt hành chính với nhiều doanh nghiệp.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt lên tới 370 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Louis Land. Theo đó, doanh nghiệp này bị phạt tiền 100 triệu đồng vì đã không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật; phạt tiền 200 triệu đồng vì đã có hành vi công bố thông tin sai lệch.
Hay như Công ty Cổ phần Nông dược HAI cũng mới bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 235 triệu đồng, vì công bố thông tin sai lệch và không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, mới đây CTCP Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính tổng 435 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt Golden Gate 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định. Doanh nghiệp này phải nộp phạt thêm 85 triệu đồng do mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định pháp luật.
Trước đó vào năm 2021, Golden Gate đã thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo cơ quan quản lý.
Để khắc phục hậu quả, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu Golden Gate nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 20/7.
Được biết, Golden Gate đăng ký trụ sở chính tại số 60 Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Doanh nghiệp được thành lập vào năm 2005 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực F&B. Golden Gate hiện sở hữu chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Manwah, isushi, Kichi-Kichi, Gogi… với 400 nhà hàng, hiện diện trên 40 tỉnh thành.