Vui Trung thu với sắc màu biển đảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi dịp Trung thu về, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lại trở thành điểm đến bổ ích và thú vị cho các em nhỏ. Khác với các năm trước, chương trình Trung thu của Bảo tàng năm nay có điểm nhấn hết sức đặc biệt với chủ đề "Em yêu biển đảo".

Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã đồng hành cùng Bảo tàng Dân tộc học tổ chức chương trình này.Trước khi chương trình Trung thu chính thức diễn ra (ngày 6 - 7/9), buổi tổng duyệt đã được Bảo tàng Dân tộc học tổ chức hôm 30/8. Những người thợ thủ công, những sinh viên tình nguyện cùng các bạn nhỏ đã sẵn sàng cho chương trình Trung thu hứa hẹn nhiều điều thú vị. Lần đầu tiên được làm tình nguyện viên của Bảo tàng, bạn Nguyễn Lâm Tùng - sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội hồ hởi: "Để có thể hướng dẫn các em nhỏ tham gia các trò chơi như: Hắt sò, Đoán sò, Gắp cua bỏ giỏ… chúng em đã tập huấn trước đó một tháng". Tùng là một trong số 200 tình nguyện viên đã được cán bộ của Bảo tàng, một số thợ thủ công và người trình diễn hướng dẫn cách chơi trò chơi, cách làm đồ chơi, làm bánh…
Các em nhỏ thích thú với sản phẩm làm từ đất và bột.
Các em nhỏ thích thú với sản phẩm làm từ đất và bột.
Trung thu năm nay, những hoạt động quen thuộc giới thiệu về văn hóa truyền thống vẫn được Bảo tàng Dân tộc học tiếp tục duy trì nhằm giúp các em nhỏ tiếp cận trực tiếp và tăng cường hiểu biết về văn hóa truyền thống của các dân tộc, khích lệ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cũng như giúp đỡ thợ thủ công duy trì và phát triển nghề truyền thống. Các em hẳn sẽ rất hào hứng khi được chính những nghệ nhân dân gian trực tiếp hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn Trung thu, hay nặn tò he, tô vẽ tàu thủy sắt Tây. Trong khuôn viên phía sau nhà Trống đồng, các em còn được hướng dẫn cách làm cốm Vòng; làm bánh dẻo; học bày mâm cỗ Trung thu... 

Chủ đề chính của chương trình Trung thu tại Bảo tàng là "Em yêu biển đảo" nên các hoạt động đều có điểm nhấn cho nội dung này. Sắc thái biển đảo được thể hiện rõ nét qua phần trình diễn và giao lưu của những người dân đến từ Quảng Ngãi. Khuôn viên sân trước tòa nhà Cánh diều cũng là nơi các nghệ nhân dân gian ở Bình Sơn trình diễn hát bả trạo, hát ống và hò kéo lưới; Người Co ở Trà Bồng trình diễn đấu chiêng, múa cà đáo; người dân huyện đảo Lý Sơn kể chuyện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… Những chia sẻ trong hoạt động giao lưu này sẽ giúp công chúng khám phá về đời sống, phong tục của ngư dân miền biển.

Điều hết sức đặc biệt là các bạn nhỏ đến tham gia chương trình có cơ hội trải nghiệm khám phá văn hóa biển đảo qua hàng chục trò chơi dân gian ở vùng biển, như: Đi chợ chiều, gắp cua bỏ giỏ, ba chân đi hái nho, hắt sò, đoán sò, chơi ô ăn quan bằng vỏ ốc, tìm kho báu... đồng thời được tham gia các hoạt động tìm hiểu về biển đảo qua các trò chơi đố vui, thi cắm cờ tên đảo Việt Nam, thi tìm hiểu các đảo, lễ hội trên đảo, thi tô và vẽ tranh về biển đảo; tham gia làm tranh và tạo hình phong cảnh bằng vỏ sò, vỏ ốc, gấp thuyền, vẽ mắt thuyền…

Bên cạnh các hoạt động khám phá và trải nghiệm văn hóa biển đảo, công chúng đến với Bảo tàng dịp này còn có cơ hội thưởng thức các món ăn mang đặc trưng của Quảng Ngãi như: Don, ram bắp, cá bống sông Trà thưởng thức với cơm, cháo trắng, cháo đậu xanh… qua sự chế biến khéo léo của người dân xứ Quảng.

Với nội dung phong phú và bổ ích, đại diện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hy vọng chương trình Trung thu năm nay sẽ là dịp để các em nhỏ vui chơi, tìm hiểu nhiều trò chơi và đồ chơi dân gian mang ý nghĩa giáo dục cao, đồng thời có cơ hội khám phá những nét văn hóa của cư dân vùng biển.