Vui với phim ngoại, buồn cho phim ta

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên hoan Phim (LHP) tài liệu quốc tế châu Âu – Việt Nam 2015 còn diễn ra đến 20/6. Cứ tưởng khán giả thờ ơ với phim tài liệu, nhưng gần 300 chỗ ngồi của phòng chiếu Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư không còn một chỗ trống.

Có thể vì người xem chờ đón những phim tài liệu đoạt giải Oscar của các nước châu Âu nhiều hơn là phim tài liệu Việt.
Một cảnh trong phim ''Còn lại với thời gian''.
Một cảnh trong phim ''Còn lại với thời gian''.
Khi “Giai điệu quê hương” của đạo diễn Arne Birkenstock mở màn công chiếu, khán giả đã cảm nhận được cảm xúc về tình yêu mà người Đức dành cho quê hương và nhạc dân tộc. Trong từng cảnh quay, đạo diễn Arne đã lột tả cách nhìn của tất cả nhạc sĩ và ca sĩ bất kể già, trẻ, lập dị hay hiện đại, những người có chung niềm đam mê âm nhạc truyền thống. Trong LHP, khán giả sẽ còn được thưởng thức“Lời nguyền của chúng tôi”(Our curse) - phim tài liệu 27 phút của đạo diễn Ba Lan Tomasz Sliwinski được đề cử giải Oscar 2015 cho hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc; hay một thể loại bán tự truyện trong “Họp lớp” (Thụy Điển)… Đây là những bộ phim “nóng hổi” vì mới ra lò và “điều quan trọng nhất là phản ánh xã hội đương thời” - bà Almuth Meyer-Zollisch - Giám đốc Viện Goethe cho biết.
Toàn bộ các phim tham gia Liên hoan đều được công chiếu miễn phí tại Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) vào 19 giờ các ngày từ 10 - 19/6 và tại trường Đại học Hoa Sen, TP Hồ Chí Minh từ 11 - 20/6.

Trong khi tiêu chí chọn phim dự Liên hoan là mới, chất lượng, được đông đảo khán giả đón nhận, thì Việt Nam chỉ có 4/10 phim tham dự lần này được sản xuất năm 2014, còn lại có những phim ra đời từ cách đây… gần 10 năm: “Tiếng vĩ cầm Mỹ Lai” (1998), “Chốn quê” (2001), “Còn lại với thời gian” (2005)… Cho dù bộ phim tài liệu Việt được lựa chọn công chiếu ngày khai mạc là “Còn lại với thời gian” của đạo diễn Lê Hồng Chương từng đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc nhất LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 51 và đoạt Cánh diều Vàng 2005, nhưng cũng không đủ sức giữ chân người xem khi đã nhiều lần công chiếu. Theo quan điểm của bà Pham Thị Tuyết – Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư: “Thời gian sản xuất phim không phải là điều quan trọng, mà chúng tôi quan tâm đưa đến cho người xem những bộ phim chất lượng”. Thế nhưng, rõ ràng một bộ phim được sản xuất cách đây gần chục năm đã lộ rõ tư duy, cách quay, thậm chí cách viết lời bình không mấy thay đổi. Trong khi mấy năm qua, nhiều phim có tính thể nghiệm, cách tiếp cận mới của các nhà làm phim trẻ Đông Nam Á cũng đủ khiến khán giả Việt trầm trồ.

Năm 2015 là năm thứ 7 LHP tài liệu quốc tế châu Âu – Việt Nam được tổ chức. Khán giả mong muốn Liên hoan không chỉ mang đến những bộ phim tài liệu xuất sắc của điện ảnh nước ngoài, mà còn cho thấy sự biến chuyển của đời sống phim Việt. Muốn làm được điều này, Ban Tổ chức cần mở cửa mời các nhà làm phim trẻ độc lập có phim ấn tượng tham dự, chứ không phải mang tính cục bộ dành riêng cho các phim của Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư.