Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vui với Tết Trung thu truyền thống

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do Tết Trung thu 2020 diễn ra vào ngày thứ Năm, ngày 1/10 nên từ cuối tuần vừa qua, nhiều em nhỏ đã có dịp trải nghiệm Tết Trung thu hấp dẫn ở nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội. Các hoạt động diễn ra trong không gian truyền thống, với nhiều hoạt động đậm chất dân gian giúp nét đẹp văn hóa cổ truyền trở nên ý nghĩa với cả người lớn và trẻ nhỏ.

Nghệ nhân hướng dẫn các em nhỏ làm đồ chơi Trung thu truyền thống tại Ngôi nhà di sản. Ảnh: Linh Anh
Rộn ràng đón trăng

Đến hẹn lại lên, từ ngày 25/9, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội lại giăng đèn lồng cá chép, bày con giống, mở các hoạt động trải nghiệm Trung thu tại Ngôi nhà di sản (số 87 phố Mã Mây); không gian trang trí, sắp đặt Tết Trung thu truyền thống tại đình Kim Ngân (số 42, 44 phố Hàng Bạc) và tại Trung tâm Thông tin di sản (số 28 phố Hàng Buồm)... Sự kiện khai mạc Tết Trung thu phố cổ mở ra nhiều hoạt động hấp dẫn vui đón Tết Trung thu tại nhiều địa chỉ, nhằm tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa thuộc khu vực phố cổ.
Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết: Do tác động của dịch Covid-19, nhiều phụ huynh vẫn e ngại khi cho con chơi tại các địa điểm công cộng, nên hoạt động đón Tết Trung thu tại phố cổ có thêm nội dung trải nghiệm tương tác qua facebook, địa chỉ "Phố cổ Hà Nội", theo các khung giờ đã thông báo. Các em nhỏ có thể xem qua facebook để được nghệ nhân, thợ thủ công giao lưu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống. Các hoạt động vui Tết Trung thu phố cổ sẽ kéo dài đến hết ngày 1/10.

Với mong muốn tạo một không gian văn hóa dân gian trong dịp Tết Trung thu, Phố sách Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thống tại "Hội sách trăng tròn - nghênh lân phá cỗ" trong 2 ngày vào ngày 26 và 27/9. Hoạt động điểm nhấn của "Hội sách trăng tròn - nghênh lân phá cỗ" tại Phố Sách Hà Nội là câu chuyện được kể qua những bức tranh, hình ảnh trang trí tại quảng trường trung tâm của Phố Sách mang đậm dấu ấn Trung thu xưa và nay, là nét văn hóa và lối sống của người Hà Nội và Việt Nam.
Đến với Phố Sách Hà Nội dịp cuối tuần vừa qua, các em nhỏ đến từ khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân… còn háo hức với việc chọn mua các loại sách thiếu nhi, với chương trình khuyến mại lên đến 50%. Ngoài ra, độc giả nhí còn được hòa mình tham gia vào các phần mini game và chương trình "Điều ước sách nhiệm màu". Chương trình "Hội sách trăng tròn - nghênh lân phá cỗ" sẽ kéo dài đến hết ngày 1/10 (tức 15/8 âm lịch).

Ngoài ra, ở Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam còn diễn ra hoạt động Lễ hội Trung thu 2020, hay tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là hoạt động “Lung linh trăng rằm”. Tất cả các hoạt động đón Tết Trung thu ở các địa bàn đều hướng đến nhiều giá trị truyền thống.

Tổ chức sao cho ý nghĩa?

Tổ chức Tết Trung thu như thế nào cho ý nghĩa, vừa thể hiện được giá trị cốt lõi của đêm hội trăng rằm truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng của trẻ em, là việc chúng ta đã đề cập nhiều. Theo nghệ nhân Trịnh Bách: Ký ức Trung thu truyền thống, nhất là ở nhiều vùng thôn quê chính là hình ảnh lũ trẻ háo hức chờ đợi những thứ đồ chơi người lớn mua ở chợ làng hoặc tự tay làm. Nhiều gia đình chuẩn bị trước những xiên hạt bưởi phơi khô để làm pháo lửa, giấy màu để làm đèn kéo quân.
Với những gia đình khá giả thì làm bánh dẻo, bánh nướng. Một không khí quây quần, tối tối lũ trẻ lại ngước trông trăng và đếm lịch. Tết Trung thu có phần giản đơn nhưng ý nghĩa, khiến lũ trẻ vui vầy, được sáng tạo...

Ngày nay, một bộ phận người lớn quá đà trong cách tổ chức khiến nhiều nội dung của “Tết trông trăng” đã bị lệch lạc, biến tướng. Nhiều khu dân cư lạm dụng vận động kinh phí để làm những con vật và đèn điện cỡ đại, thuê xe, trang phục nhằm thể hiện sự “chơi trội” của mình. Nhiều đội múa lân sư chặn xe trên đường hoặc vào nhà dân xin tiền, không được thì quậy phá. Việc mở ra các không gian Trung thu truyền thống ở các địa điểm văn hóa là cách hướng dẫn người lớn tổ chức Tết Trung thu theo đúng ý nghĩa của nó.
Ngoài ra, trên thị trường việc giảm bớt các chiếc đèn khổng lồ, đồ chơi bạo lực mà hướng đến bày bán con giống, đèn ông sao, đèn kéo quân truyền thống kích cỡ vừa phải, những loại bánh nướng, bánh dẻo kiểu dáng gần gũi với đời sống cũng là một trong những định hướng đúng về ý nghĩa của Tết Trung thu.