Vốn sinh ra và lớn lên nơi vùng quê nghèo Quảng Trị, tôi quen lắm mùi này mỗi năm có lũ lụt về. Mùi của thiên tai, mùi của thiệt hại, mà có lẽ chỉ người nông dân mới thấu cảm hết được.
Cố vớt vát những gì sau cơn lũCơn lũ lịch sử càn quét những vùng quê nghèo Quảng Trị đã tạm qua rồi, nhưng ký ức về cái đêm mực nước lên nhanh đến… kinh hoàng, vượt mốc lịch sử năm 1983, thì chắc chắn khó phai trong tâm trí mỗi người dân phải hứng chịu.
Xế trưa, trời Quảng Trị vẫn mưa rả rích, gió se se lạnh. Tôi và anh bạn đồng nghiệp đèo nhau trên chiếc xe máy hướng về địa bàn các xã thuộc huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh để ghi nhận tình hình thiệt hại do mưa lũ của bà con. Trên con đường chúng tôi đi, đâu đó vẫn còn nhiều chỗ bị sạt lở nặng nề, người ta cắm cọc và giăng dây cảnh báo nguy hiểm. Hướng về các xã của huyện Triệu Phong, men theo con đường bê tông dọc bờ sông Thạch Hãn, bùn non đặc quấn những lớp dày quanh bánh xe . Thi thoảng chúng tôi bắt gặp những đống gỗ, rác khổng lồ tấp vào vườn dân. Ruộng đồng, vườn tược nhốm một màu vàng bùn đất!Cặm cụi hốt những vạt lúa đã quện với bùn đất vương vãi trên nền nhà đẫm nước, bà Trần Thị Hà (thôn An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) vừa trò chuyện với chúng tôi mà giọng như đứt hơi. Bà Hà nói ở cái vùng quê nghèo này thì người dân quanh năm bám lấy ruộng đồng để sống. Chỉ cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, người dân có của ăn của để. Vợ chồng bà đều ngoài 60 tuổi nhưng cũng phải lao động quần quật quanh năm, suốt tháng. Vụ mùa vừa rồi, vợ chồng bà Hà thu mua 25 tấn lúa của bà con trong thôn về xay xát thành gạo bán kiếm lời. Đêm 17 đến rạng sáng 18/10 vừa qua, nước lũ dâng cao đột ngột đã khiến 20 tấn lúa ngâm nước, hư hỏng. “Bà con hàng xóm giúp đỡ đưa lúa lên chỗ cao nhưng nước dâng nhanh quá không kịp trở tay. Giờ thì 20 tấn lúa đã bị nước ngâm rồi chú ơi! Đưa đi sấy tốn thêm công, thêm tiền song mang về cũng chỉ bán cho người ta làm thức ăn gia súc thôi. Nhưng mà vớt vát được chừng mô hay chừng đó chú ơi!”- bà Hà ngậm ngùi. Bà Hà cho biết thêm, mỗi tấn lúa thu mua giá khoảng 8 triệu đồng. Nhưng sau khi bị ngâm nước và phải sấy thì chất lượng kém, chỉ hy vọng bán được 3 đến 4 triệu đồng là may.Đồng cảnh ngộ, hộ ông Đoàn Phong Trí (thôn Dương Văn Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong) cũng bị thiệt hại nặng nề khi 6 tấn lúa ngâm nước. Để cứu lúa, ông Trí trưng dụng hết không gian khô ráo trong nhà mang lúa ra sấy bằng quạt. Cả nhà cứ thay nhau cào trở suốt ngày. Còn người còn của Hỏi thăm sơ bộ, được biết hàng ngàn hộ dân trên địa bàn các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Hàng ngàn tấn lúa của bà con bị nước ngâm lâu ngày nay đã lên men, mọc mầm. Những hộ dân thu mua lúa trong nỗ lực vớt vát những gì có thể chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng thuê xe, nhân công vận chuyển lúa lên Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Quảng Trị (đường 9D, TP Đông Hà) để sấy. Chúng tôi quyết định đến đây để ghi nhận tình hình.Trong cơn mưa chiều, đang dò tìm địa chỉ thì tôi nhận định ngay nhà máy sấy lúa sắp ở trước mặt, vì mùi chua hẩm của hàng ngàn tấn lúa bị ngâm nước lâu ngày bốc lên sộc vào mũi. Vốn sinh ra và lớn lên nơi vùng quê nghèo Quảng Trị, tôi quen lắm mùi này mỗi năm có lũ lụt về. Cổng Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Quảng Trị liên tục xe tải vận chuyển lúa của bà con vào sấy trong này. Ngồi thẫn thờ bên đóng lúa đã mọc mầm chờ đưa vào sấy, chị Hồ Thị Ngọc Vân (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng) chua xót nói: “Dành hết vốn liếng thu mua 80 tấn lúa nhưng giờ ngâm nước hết rồi. Nước rút, tôi thuê xe tải lớn và nhân công chở lúa lên đây sấy, hy vọng lấy lại được đồng nào hay đồng ấy. Mà nói thiệt với chú nhà báo, lúa này sợ sấy xong chẳng ai mua. Nhìn lúa mà chảy nước mắt!”. Ngồi cạnh chị Vân có hàng chục tiểu thương cũng như người dân khác đang chờ sấy lúa. Trong câu chuyện của họ chỉ xoay quanh lũ lụt, nước lên và nhà ai bao nhiêu tấn lúa bị ngập. Họ động viên nhau thôi thì, của đi thay người. “Cái hôm về kho cứu lúa, tôi suýt bị nước cuốn trôi mất mạng, giờ nghĩ lại còn khiếp hồn. Nhưng thôi, còn người còn của chú ơi. Cứ phải động viên nhau để đứng lên”- chị Vân chia sẻ.Nhà sấy ở Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Quảng Trị có 8 máy sấy hoạt động liên tục hơn 10 ngày qua. Giám đốc Trung tâm Phạm Xuân Tuyên cho biết, mỗi ngày đơn vị sấy được 100 tấn lúa cho người dân. Hiện nay lúa ở các địa phương liên tục chuyển về khiến nhà kho không còn chỗ chứa. Theo giá thị trường, sấy một tấn lúa giá 660.000 đồng. Nhưng để hỗ trợ cho bà con, trung tâm chỉ thu 400.000 đồng/tấn, vừa đủ bù vào kinh phí mua than. Còn công anh em vận hành và các vấn đề khác thì hỗ trợ hoàn toàn. Về lại nhà trọ ngồi viết bài, mùi chua hẩm của lúa vẫn như ở ngay bên, chợt nghĩ, rồi đây khi cơn lũ đi qua, đồng bào tôi sẽ khó khăn đến nhường nào?