Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vững tay chèo để vượt sóng cả

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng đầu năm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có tín hiệu tích cực. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát tốt. Đặc biệt, sự tích cực, chủ động vào cuộc của Chính phủ tìm ra nguyên nhân và quyết liệt trong triển khai các giải pháp.

Khu bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
Khu bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng

Nỗ lực trong khó khăn

5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của nền kinh tế. Xuất khẩu tháng 5 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, con số này nhẹ hơn so với mức giảm của 2 tháng trước đó. Tính chung 5 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, xuất siêu 5 tháng vẫn đạt 9,8 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng vẫn được kiểm soát ở mức phù hợp với mức tăng là 3,55%. Việt Nam đã đón tổng cộng 4,6 triệu du khách quốc tế từ đầu năm tới nay, đạt 60% mục tiêu 8 triệu du khách quốc tế của năm 2023.

 

Nếu năm nay không bơm tiền ra đủ lưu thông GDP danh nghĩa, khi đó tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ 5 – 5,5%, ngược lại lạm phát thì có thể thấp hơn. Theo tính toán của chúng tôi, nếu bơm đủ tiền thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% sẽ đạt được.

TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Kinh tế Việt Nam đạt được trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng mức lãi suất ở biên độ lớn, các ngân hàng T.Ư của châu Âu và các nền kinh tế lớn đều có động thái tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục đối diện với áp lực gia tăng từ bên ngoài như nhu cầu thế giới giảm mạnh hay nói cách khác là thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất…

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, điều quan trọng nhất chúng ta đạt được chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khóa ở mức hợp lý, không tạo ra cú sốc lớn.

GS.TS Hoàng Văn Cường – Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trước "con sóng chao đảo" của tình hình thế giới, Việt Nam giữ vững ổn định vĩ mô là thành công lớn nhất. Chúng ta điều hành chính sách tài khóa kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Ông lấy ví dụ, trong bối cảnh đại dịch, nhiều nước dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng nhưng để lại hậu quả là lạm phát tăng. Chúng ta cũng hỗ trợ nhưng không rơi vào bẫy lạm phát.

Chính sách tiền tệ cũng được điều hành tốt, giúp duy trì giá trị đồng tiền. Lạm phát dịu xuống là một trong những nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước mới đây cắt giảm lãi suất lần thứ ba.

Các nhà đầu tư quốc tế nhận định, khả năng chống chịu của Việt Nam khá tốt, tiền Việt Nam là đồng tiền tốt nhất, các đồng tiền khác đều mất giá. Tất nhiên ổn định đồng tiền có thể khiến các DN xuất khẩu gặp khó khăn nhưng mừng là các thặng dư vãng lai, thu hút FDI, hoạt động xuất khẩu đều tăng trưởng khá tốt...

Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, OECD… đều cho rằng, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, kinh tế vĩ mô được đảm bảo. IMF thậm chí nhận định: Việt Nam là một điểm sáng trong "bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Sản xuất phụ kiện xe máy tại Công ty TNHH nhựa Hạ Long, Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải
Sản xuất phụ kiện xe máy tại Công ty TNHH nhựa Hạ Long, Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải

Bơm tiền ra nền kinh tế

Dù có nhiều điểm tích cực nhưng khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam vẫn còn rất lớn. Thời gian tới, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố hết sức quan trọng. GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, khi lạm phát được kiểm soát ở mức cho phép thì chúng ta cần tính tới nới lỏng dần chính sách tài khóa tiền tệ, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn cho DN và dần chuyển hướng sang tập trung cho tăng trưởng.

 

Để thúc đẩy đầu tư công, cần rà soát thể chế, quy định nào đang vướng thì phải sửa. Quốc hội có thể ban hành một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ điểm nghẽn. Trong khi chờ sửa luật, các thủ tục thực thi từ phía bộ, ngành cần được đơn giản hóa với quy trình rút ngắn hơn như các bước chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán…

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Cần bơm tiền ra nền kinh tế qua việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% đang bế tắc; giảm mạnh lãi suất cho vay để dân mua nhà ở xã hội; các lĩnh vực sản xuất trong nước cần phải được khơi thông tiếp cận vốn. Thậm chí, cần có những hành động quyết liệt hơn như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%; đồng thời thay đổi các điều kiện cho vay "dễ thở" hơn. "Chúng ta cũng có thể dùng quỹ hỗ trợ DN để bơm vốn, đặc biệt với nhóm sản xuất" – GS.TS Hoàng Văn Cường nói thêm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để thúc đẩy hỗ trợ cho nền kinh tế, phải giải quyết bằng chính sách tài khóa mở rộng. Đó là giãn hoãn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, người dân. Đồng thời tăng cường giải ngân đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng, hệ thống đường cao tốc và các hạ tầng khác.

Khó khăn nhất trong nền kinh tế hiện nay là hạn chế tổng cầu, trong khi cơ cấu hình thành lên tổng cầu là tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân, tiêu dùng Chính phủ, xuất nhập khẩu. “Đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển. Khi đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy cho kinh tế - xã hội phát triển, các ngành nghề đều được thụ hưởng, dẫn dắt đầu tư tư nhân” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm.

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên… Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, sự tăng trưởng liên tục và ổn định của nhu cầu trong nước sẽ tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Khi xuất nhập khẩu có biến động do tình hình kinh tế thế giới thì việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư công sẽ giúp kinh tế tăng trưởng.

Sản xuất tại Công ty CP Điện Quang  
Sản xuất tại Công ty CP Điện Quang  

Tăng cường hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, có 88.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, các giải pháp là tập trung giảm phí, chi phí cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

 

DN hiện nay gặp hai khó khăn chính là thị trường và vốn. Với DN làm hàng xuất khẩu, thị trường nước ngoài đang rất bấp bênh khi kinh tế thế giới trên đà suy giảm. Vì vậy, các DN cần tính đến thị trường trong nước với 100 triệu dân. Không chỉ là một tiềm năng thị trường rộng lớn mà còn có nguồn nhân lực dồi dào với rất nhiều cơ hội để tăng tốc phát triển.

Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động - Tổng cục Thống kê Phạm Hoài Nam

Ví dụ, tiếp tục chính sách giảm 2% VAT giống giai đoạn 2022 nhưng kéo dài, thậm chí có thể đến hết 2025, thay vì áp dụng trong 6 tháng cuối của nửa 2023 bởi theo nguyện vọng của DN, việc kéo dài thời gian áp dụng sẽ giúp tăng độ lan toả chính sách.

Nhiều DN cũng cho rằng, Chính phủ có thể cân nhắc tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí Công đoàn, xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để giúp giảm chi phí cho lao động. Đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thuế cho các DN, tiếp tục đàm phán thương mại để phát triển, đa dạng hóa thị trường đầu ra, đầu vào nhằm giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; tăng cường triển khai hiệu quả các chương trình, gói hỗ trợ DN…

Về cải thiện môi trường kinh doanh, theo Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, gỡ tắc pháp lý là giải pháp 0 đồng sẽ giúp DN tiết kiệm được thời gian, các khoản chi phí không cần thiết. Nên hạn chế thanh, kiểm tra DN, cơ sở kinh doanh, đồng thời, cắt giảm các thủ tục không cần thiết.

Ở thời điểm này, sự đồng hành với DN sẽ giúp họ vượt qua khó khăn. Chính phủ đã nhận diện và đang nghiên cứu các giải pháp cụ thể cho nhóm vấn đề này. Trong Công điện ra ngày 26/5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tiếp tục tìm cách hạ lãi suất; sớm hoàn thuế VAT cho DN; thực hiện miễn, giảm thuế phí cũng như đề xuất các chính sách khác nếu còn dư địa. Đồng thời yêu cầu các đơn vị cắt giảm thủ tục hành chính, xử lý các cán bộ sợ trách nhiệm không dám thực thi công vụ.

 

Cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cùng với đó, tăng cường nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chú trọng phát triển các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao. Cơ cấu lại thị trường du lịch; khai thác hiệu quả hơn các thị trường khách quốc tế…

PGS.TS Trần Đình Thiên

 

 

Chính phủ hiện nay đã triển khai rất nhiều biện pháp cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, cũng như thúc giục các bộ, ngành giải ngân đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất chính sách để thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ DN, đồng thời cũng đã phát đi những tín hiệu là vẫn có khả năng sẽ tiếp tục thực hiện cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Hy vọng những chính sách và biện pháp này sẽ cho thấy kết quả rõ rệt hơn trong tăng trưởng GDP của những quý tiếp theo.

Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ UOBAM Việt Nam Thiều Thị Nhật Lệ