Như vậy, bưởi là trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Mỹ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Xung quanh việc này, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết, trước khi đề xuất mở cửa đối với trái bưởi, từ nhiều năm nay, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các nhà vườn, người trồng và cơ quan chuyên môn ở địa phương kiểm tra, kiểm soát vườn trồng tuân thủ theo quy trình VietGAP, quy trình phòng chống dịch hại tổng hợp (IPM). Qua đó, bảo đảm các sản phẩm có chất lượng tốt, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay những hoạt chất phía Mỹ đã không cho phép sử dụng.
Để mở cửa được thị trường đã khó nhưng để giữ được thị trường lại càng khó hơn. Trước vấn đề này, ông Hoàng Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các bên liên quan phải nắm chắc được các yêu cầu kiểm dịch thực vật phía Mỹ đưa ra, từ kiểm tra mã số vùng trồng, kiểm soát đối tượng sinh vật gây hại, đóng gói…
Theo đó, muốn có sản phẩm chất lượng, sạch đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Mỹ, đầu tiên trái cây từ vườn ra phải sạch sinh vật gây hại. Đối với cơ sở chiếu xạ, sau khi đã hoàn thành quy trình, quy cách đóng gói và đã kết nối với DN để xuất khẩu thì phải tuân thủ đúng theo các yêu cầu đó.
"Tiếp nữa là quy trình kiểm dịch thực vật, việc lấy mẫu theo đúng các yêu cầu của phía Mỹ. Ví dụ lấy mẫu kiểm dịch ít nhất 5 thùng, 149 quả, rồi chia ra kiểm tra bên ngoài, bên trong một cách bài bản, kỹ lưỡng để làm sao sau khi chúng ta cấp xong cấp Giấy chứng nhận bảo vệ thực vật phải đáp ứng đầy đủ theo đúng yêu cầu đã ký kết với Mỹ" - ông Hoàng Trung chia sẻ.