Vững vàng thơ "già" nhạt nhòa thơ trẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã hơn mười năm nay, đến hẹn lại lên, công chúng và người yêu thơ có một ngày hội của thi ca để được hòa mình vào một thế giới của cảm xúc.

Và phải nói rằng, trong điều kiện kinh tế đang khó khăn mà vẫn duy trì được một lễ hội Thơ như vậy, Hội Nhà văn Việt Nam phải cố gắng rất nhiều.

Một trong những điểm được của Ngày thơ lần thứ XII là tôn vinh các tác giả thơ tiêu biểu trong các thời kỳ kháng chiến. Việc tôn vinh này luôn được Ban tổ chức là Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện rất tốt, đáp ứng được lòng mong đợi của công chúng.

Vững vàng thơ "già"

Thực ra, khái niệm thơ già-thơ trẻ ở đây chỉ là tương đối, bởi văn học nghệ thuật thì không phân định tuổi tác. Người ta đã tranh cãi với nhau rất nhiều về chuyện này, nhưng nó vẫn tồn tại như phải thế. Cũng như mọi năm, Ban tổ chức chia làm hai sân thơ. Sân thơ trẻ được gọi đúng tên là Sân thơ Trẻ, còn sân thơ già thì không có chữ già.

Sân thơ già thì không có gì đột biến trong cách trình diễn cũng như kịch bản. Với chủ đề “Mùa xuân đất nước”, các nhà thơ thay nhau lên đọc thơ, xen lẫn đó là một vài ca khúc để thay đổi không khí. Chương trình không đặc sắc, kịch bản không có gì đột biến, nhưng vẫn rất thu hút khán giả. Đầu tiên là bởi vị trí thuận lợi, tiếp đó, dù sao, các nhà thơ ở sân thơ già cũng đã khá quen tên với công chúng và tác phẩm cũng rất có chất lượng. Và các nhà thơ ở sân thơ già luôn biết làm chủ sân khấu, biết truyền tải cảm hứng đến khán giả. MC, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, bằng chất giọng miền Trung sang sảng cũng như sự say mê với nghiệp thi ca mà anh đã đeo đuổi gần trọn một đời, cũng góp phần làm sân thơ già hay còn gọi là sân thơ truyền thống thêm phần vững vàng. Và với sân thơ già này, không có nhiều điều phải bàn, bởi sẽ vẫn diễn ra như thế trong những năm tới với những tác giả đã thành danh, rất có kinh nghiệm cũng như sự hào hứng trong việc đọc thơ, nhất là luôn có những bài thơ đủ sức đảm bảo cho thành công của ngày hội.

Nhạt nhòa thơ trẻ

Sân thơ Trẻ có nhiều điều để bàn hơn. Thứ nhất, người ta vẫn mặc định rằng, trẻ là phải phá cách, thể nghiệm, mặc dù đôi khi người ta lại mang chính điều mình mong chờ ra để phê bình, chỉ trích. Năm nay, dù có ưu ái Sân thơ Trẻ thế nào, người ta vẫn phải thừa nhận sự nhạt nhòa đã bao trùm lên tất cả.

Nhạt nhòa thứ nhất ở khuôn mặt các tác giả tham dự. Khi mà tiêu chí lựa chọn là các tác giả trẻ, chưa phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và chưa tham gia Sân thơ trẻ, Ban tổ chức mới thấy rằng không có nhiều gương mặt mới gây ấn tượng. Một số gương mặt hứa hẹn đủ khả năng “nổi loạn” đã từ chối tham gia bởi những lý do khác nhau, cho thấy sức hút của Sân thơ Trẻ không còn mạnh như các năm trước. Bởi với người làm thơ trẻ, họ cần những dịp như thế này để PR mình. Một lần được xuất hiện trên sân khấu thơ lớn như thế, lại có cơ hội trình diễn một cách đàng hoàng mà không phải gây bút chiến hay tạo scandal, nên tận dụng lắm chứ. Thiếu nhân vật đến độ, Ban Nhà văn Trẻ phải mời hai nhà thơ đã quá quen thuộc với sân thơ Trẻ là Bình Nguyên Trang và Nguyễn Minh Cường tham gia. Nhà thơ Bình Nguyên Trang còn được mời tham dự ở phút cuối cùng như một sự lấp chỗ trống.

Nhạt nhòa thứ hai là ở chương trình. Sự nhạt nhòa này nằm ở sự tùy tiện theo kiểu, sân thơ già hết chỗ nên mới đem các tiết mục khác sang cho Sân thơ Trẻ. Cho nên, khi giới thiệu tiết mục “Hò kéo pháo” của câu lạc bộ các cụ ở Sân thơ Trẻ, không ít người đã phải ngơ ngác bởi nếu vậy, việc gì phải chia làm hai sân thơ rành mạch đến thế. Chưa kể đến việc mới diễn được nửa phút, đĩa nhạc in sẵn bị vấp khiến tiết mục bị gián đoạn. Hai MC của Sân thơ Trẻ, đều là người viết trẻ, quá tự tin vào khả năng tung hứng của mình lúc tập rượt, để đến lúc vào việc lại trở nên lúng túng một cách thiếu chuyên nghiệp. Và đã từ nhiều năm rồi, sự trục trặc về âm thanh luôn là cản trở cho sự trình diễn của các nhà thơ trẻ. Đang phiêu cùng thi ca, bỗng dưng micro tắt phụt, dù rằng sau đó trình diễn lại nhưng cảm xúc ban đầu đã mất đi gần hết.

Trong 4 tổ khúc được trình bày trong Sân thơ Trẻ, tổ khúc đầu tiên là sự kết hợp giữa các loại hình âm nhạc truyền thống và đọc thơ. Ít nhiều tổ khúc này cũng khiến người yêu thơ thấy thỏa mãn cả về phần nghe và phần nhìn, mặc dù nó từa tựa như một liên khúc dân ca ba miền nào đó. Các tổ khúc thơ còn lại, mặc dù đã được minh họa thêm bằng dải lụa tạo sóng, tốp múa hiện đại, vẫn rất nhạt nhòa và không để lại dư vị gì, nếu không muốn nói là rất sến trong cách dàn dựng và nôm na trong ý đồ. Xen giữa chương trình là tiết mục của nhà thơ kiêm nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến. Nhà thơ này hát một bài, đọc hai bài thơ, có điều anh không thuộc cả nhạc lẫn thơ nên cứ phải cúi xuống nhìn văn bản... Người yêu thơ trẻ thấy hụt hẫng bởi dường như, những khuôn mặt có cá tính ngày càng ít dần.

Tất nhiên, bên cạnh sự nhạt nhòa ấy, ngươi ta vẫn thấy những điểm sáng. Đó là sự thăng hoa đến tuyệt vời của Lê Vĩnh Thái trong điệu hò Huế, sự xuất thần của Trương Xuân Thiên, sự duyên dáng của Lê Vi Thủy. Các nhà thơ trẻ đã "cháy" hết mình trên sân khấu, nơi không phải là quá quen thuộc đối với họ. Giá như có thời gian, kịch bản tốt, đạo diễn tốt và nhất là có thêm kinh phí, họ sẽ còn thăng hoa hơn nhiều. Tất nhiên, ai cũng biết, với chữ nếu, người ta còn có thể nhét Paris vào được một cái chai.

Dù vậy, Ngày Thơ vẫn làm tròn bổn phận của nó, có lễ và có hội, có các quầy thơ của địa phương. Thậm chí, các câu lạc bộ thơ từ các tỉnh xa đến, ngoài việc mang thơ đi trình diễn, còn mang đến thủ đô các đặc sản của địa phương mình để mời bạn thơ thưởng thức, như một biểu hiện của lòng hiếu khách. Có các gian hàng giảm giá của các nhà sách, công ty xuất bản, để người yêu thơ có thêm chỗ để ngắm. Thế cũng là đủ để công chúng lại mong chờ ngày hội Thơ năm sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần