“Vùng xanh” quê tôi

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, quê tôi như được tô điểm thêm bởi những tấm biển màu xanh thuộc các chốt bảo vệ vùng an toàn không có dịch Covid-19.

Quê tôi, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, một vùng quê ngoại ô Thủ đô nằm cạnh ven sông Hồng thường ngày ồn ào, náo nhiệt bởi những tiếng máy bào, máy xẻ là thế… nhưng nay dịch lan tới, quê tôi, nhà nào ở yên nhà đó, đóng cửa im phăng phắc, chấp hành nghiêm công tác chống dịch… Đâu đó chỉ còn lại một màu xanh của những chiến sĩ công an, lực lượng dân quân tự vệ, màu xanh của những đoàn viên thanh niên tình nguyện đan xen vào đó là những chiến sĩ áo trắng cùng các hội đoàn thể… không quản mưa nắng, ngày đêm thầm lặng quyết tâm giữ chốt “vùng xanh” quê tôi được an toàn. Các chốt “vùng xanh” quê tôi do khu dân cư trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, bảo vệ dân cư không để xảy ra lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn.
 Các chốt “vùng xanh” quê tôi do khu dân cư trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, bảo vệ dân cư không để xảy ra lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn.
Quê tôi, những ngày thực hiện giãn cách xã hội, cả hệ thống chính trị xã vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã xuất hiện mang lại những kết quả tích cực trong công tác chống dịch. Với mô hình “Áo xanh bảo vệ vùng xanh", không chỉ các cấp, đoàn thể phụ nữ, thanh niên… tham gia, mà đó còn là sự lan tỏa tới hầu hết người dân ở địa phương, trong đó, có những gia đình, không ai bảo ai, cả nhà tự nguyện đăng ký canh giữ bảo vệ “vùng xanh”, đồng lòng cùng nhau thực hiện nghiêm, như một hương ước của làng, khu dân cư.
 Cứ 5 giờ sáng hàng ngày, cán bộ xã, các bác cao tuổi, hội viên hội phụ nữ cùng lực lượng dân quân tự vệ, các bạn trẻ “áo xanh” đã có mặt tại các chốt để bảo vệ “vùng xanh” quê tôi được an toàn.
Cứ 5 giờ sáng hàng ngày, cán bộ xã, các bác cao tuổi, hội viên hội phụ nữ cùng lực lượng dân quân tự vệ, các bạn trẻ “áo xanh” đã có mặt tại các chốt để bảo vệ “vùng xanh” quê tôi được an toàn, không cần nhắc nhở, ai nấy đều răm rắp vào việc. Người đo thân nhiệt, người kiểm tra giấy tờ, ghi thông tin, hướng dẫn bà con quét mã QR-Code, khai báo y tế toàn dân... Không chỉ vậy, tuổi trẻ “vùng xanh” quê tôi còn sẵn sàng test nhanh khi cần, đi chợ giúp dân… Các thành viên chia ca trực, thực hiện nhiệm vụ từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm tại chốt. Từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng thì các chốt cắt cử một số thanh niên tham gia tuần tra lưu động cùng lực lượng công an, quân sự xã. Cứ như vậy  24/24 giờ, tình nguyện viên luôn thường trực bảo vệ “vùng xanh”.
 Người dân quét mã QR-Code, khai báo y tế toàn dân tại chốt "vùng xanh" xã Liên trung.
Chẳng biết từ bao giờ, người dân quê tôi, các chi hội phụ nữ tự bảo nhau thức đêm hôm nấu những nồi xôi, nồi cháo, gói những chiếc bánh tẻ, chế biến những bún chả thơm ngon, bổ dưỡng… ngày ngày gửi đến tay lực lượng tham gia trực chốt bảo vệ “vùng xanh”. Mỗi khi thời tiết nắng nóng, oi bức, người dân quê tôi lại tất tưởi mang những bịch sữa, cốc chè đỗ đen, những quả dưa hấu đỏ thơm mát… chuyển tới tay các tình nguyện viên và không quên gửi lời nhắn nhủ yêu thương, hãy luôn mạnh khỏe, đảm bảo an toàn.
 Từ khi “vùng xanh” quê tôi được thiết lập ở mọi ngõ ngách ở thôn Trung, thôn Hạ của xã, người dân tuân thủ nghiêm giãn cách, hạn chế đi lại, đi chợ không quên đeo khẩu trang, cầm theo căn cước công dân và phiếu đi chợ đã được phát. 
Từ khi “vùng xanh” quê tôi được thiết lập ở mọi ngõ ngách ở thôn Trung, thôn Hạ của xã, người dân tuân thủ nghiêm giãn cách, hạn chế đi lại, đi chợ không quên đeo khẩu trang, cầm theo căn cước công dân và phiếu đi chợ đã được phát. Việc khai báo, phòng, chống dịch trong mỗi con người ở quê tôi đã như một thói quen, ai ai cũng tích cực thực hiện, vì họ đều hiểu được diễn biến phức tạp, mức độ lây lan và sự nguy hiểm khi chẳng may có người mắc Covid-19.
 Cán bộ xã Liên Trung tuyên truyền, giải thích cho người dân quy định phòng, chống dịch mỗi khi đi chợ.
Với phương châm, cố gắng chăm lo để không ai bị bỏ lại phía sau, từ khi thực hiện giãn cách xã hội đến nay, “vùng xanh” quê tôi đã chia theo nhóm các đối tượng hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo phủ kín. Không những vậy, “vùng xanh” quê tôi còn chủ động bố trí nhân lực mang tận nơi tặng người lao động mắc kẹt tại các công trình xây dựng, xưởng gỗ, xưởng mộc vài chục cân gạo, những thùng mì tôm, túi rau, khay trứng để họ ở yên trong nhà, đảm bảo cuộc sống trong những ngày giãn cách. Bên cạnh đó, hội LHPN xã, người dân quê tôi còn kêu gọi, “hò nhau” hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các xã bạn trong huyện.
 Lực lượng y tế test nhanh cho người dân xã Liên Trung, huyện Đan Phượng.
Từ khi có dịch, chiếc loa truyền thanh quê tôi dường như hoạt động hết công suất. Mỗi ngày 3-5 lần, trên loa thông báo về việc kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn cách phòng tránh, kiểm soát dịch bệnh, khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người, thông báo những gia đình đang có người ở địa phương khác để mọi người cùng nắm được. Loa xã còn thông tin những người dân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ trong thời gian giãn cách. Bên cạnh loa truyền thanh, các hội nhóm Facebook của đoàn thanh niên, hội LHPN xã Liên Trung… cũng đã phát huy tác dụng, Nhân dân địa phương cũng như cán bộ xã đã đăng tải các văn bản mới, cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Từ đó, người dân địa phương thường xuyên cập nhật thông tin mới về tình hình dịch bệnh của cả nước và Hà Nội, những biến chủng virus nguy hiểm, ghi nhớ thông điệp 5K, ở yên trong nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết.
 Chẳng biết từ bao giờ, người dân quê tôi, các chi hội phụ nữ tự bảo nhau thức đêm hôm nấu những nồi xôi, nồi cháo, gói những chiếc bánh tẻ, chế biến những bún chả thơm ngon, bổ dưỡng… ngày ngày gửi đến tay lực lượng tham gia trực chốt bảo vệ “vùng xanh”. 
Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm chống dịch, bảo vệ “vùng xanh” được an toàn của chính quyền, các cấp đoàn thể và người dân xã Liên Trung nên cho đến giờ phút này “vùng xanh” quê tôi chưa ghi nhận ca F0 nào. Đó là điều hạnh phúc và tuyệt với nhất với mỗi người dân quê tôi.