Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vườn Quốc gia Cúc Phương tiếp nhận 2 cá thể chim quý hiếm

Nam Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 cá thể chim cao cát bụng trắng thuộc nhóm IIB, là động vật nguy cấp quý hiếm vừa được Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) tiếp nhận từ người dân tỉnh Thái Bình.

Hai cá thể chim Cao cát hoang dã được Vườn Quốc gia cứu hộ thành công.
Hai cá thể chim Cao cát hoang dã được Vườn Quốc gia cứu hộ thành công.

Ngày 2/10, Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) cho biết, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Cúc Phương vừa tiếp nhận nhiều cá thể động vật hoang dã, thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm do người dân giao nộp.

Cụ thể, ngày 29/9, Trung tâm nhận được thông báo từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình về việc ông Trần Văn Đức (trú xã Minh Quang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) tự nguyện giao nộp 2 cá thể chim cao cát bụng trắng (tên khoa học là: Anthracoceros albirostris thuộc nhóm động vật nguy cấp quý hiếm, nhóm IIB NĐ/84/2021/NĐ-CP).

Sau khi tiếp nhận, Trung tâm sẽ kiểm tra sức khoẻ, chăm sóc 2 cá thể chim cao cát bụng trắng cho đến khi đủ các điều kiện để tái thả về môi trường tự nhiên.

Chim cao cát bụng trắng là loài thuộc họ hồng hoàng, chiều dài thân từ 68-70cm, bộ lông đen nhạt, bụng và dưới đuôi trắng, mỏ hai tầng vàng nhạt, phần giữa hai tầng mỏ đen.

Chim cao cát bụng trắng sinh sản từ tháng 1 đến tháng 6, mỗi đợt thường đẻ 1-3 trứng, thức ăn ưa thích là các loại quả, như sung, đa, gội...

Các cá thể rùa được người dân giao nộp cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Các cá thể rùa được người dân giao nộp cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Trước đó, ngày 25/9, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Cúc Phương đã cứu hộ 5 cá thể rùa răng, 1 cá thể khỉ đuôi dài là động vật hoang dã từ Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng và Hạt Kiểm lâm thành phố Hải Dương.

Những cá thể động vật hoang dã trên đều thuộc động vật rừng nguy cấp quý hiếm, nhóm IIB.