Vướng điểm sàn: Nhiều trường đại học lo phải đóng cửa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay (8/8), Hội đồng xét duyệt điểm sàn tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (ĐHCĐ) của Bộ GD&ĐT họp để quyết định điểm sàn cho từng khối thi.

Trong khi các trường "top trên" không mấy chú ý đến vấn đề này, thì những trường "top dưới", đặc biệt là các trường ngoài công lập, lại như "ngồi trên đống lửa".

Thiếu sức hút
 
Thực tế, việc tuyển sinh của các trường ĐHCĐ ngoài công lập đã "mắc" từ nhiều năm trở lại đây vì điểm sàn trở thành một chướng ngại khó vượt qua. Năm nay, Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập tiếp tục họp để kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét về điểm sàn, bởi đây là vấn đề quyết định sự sống còn của họ.
 
Lý giải về những khó khăn trong công tác tuyển sinh, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng đại học dân lập (ĐH DL) Hải Phòng cho biết, quan niệm về các trường tư thục, dân lập còn nặng nề. Nếu so sánh về chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất, chưa hẳn trường ngoài công lập đã thua kém, "Đầu vào không cao bằng các trường công lập nhưng chúng tôi có hơn 93% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, trong đó hơn 70% làm đúng ngành nghề đào tạo. Đây là kết quả mà không phải trường công lập nào cũng có được. Mặc dù vậy, nhưng vì hai chữ "dân lập", "tư thục" mà các trường chưa thu hút được thí sinh” - ông Nghị khẳng định.
 
Hiệu trưởng ĐH Thành Tây Lê Công Huỳnhchia sẻ, nếu các trường ngoài công lập năm nay tiếp tục không tuyển đủ chỉ tiêu thì sẽ đến lúc phải… tan. Lãnh đạo các trường đều đề đạt nguyện vọng nếu chưa bỏ được điểm sàn, thì khi Bộ xác định mức điểm sàn cần tính đến yếu tố "ảo" và đưa ra hệ số dôi dư an toàn để các trường có đủ nguồn tuyển.
 
Theo đại diện trường ĐH DL Thăng Long, thực tế đào tạo cho thấy không phải cứ thủ khoa đầu vào thì cũng đạt thành tích cao ở đầu ra. Như vậy, chất lượng chỉ dựa trên điểm sàn là không đủ căn cứ. Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Chu Văn An cho rằng, vừa mới tháng 6 thi tốt nghiệp kết quả cao chót vót, vậy mà một tháng sau thi đại học kết quả đã lẹt đẹt. Vấn đề ở đây là cách ra đề thi. Điểm sàn không phản ánh toàn bộ chất lượng đào tạo mà phụ thuộc nhiều vào đề thi cụ thể.
 
Cần một ngưỡng chung
 
Trao đổi với báo chí về những kiến nghị, đề xuất của các trường ngoài công lập, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, không thể có điểm sàn khác nhau, vì Luật Giáo dục đã qui định bằng cấp giữa trường ĐH công lập và ngoài công lập có giá trị như nhau, mặc dù điểm chuẩn vào các trường khác nhau. Các trường ở vùng miền khó khăn được ưu tiên áp dụng điều 33 trong qui chế tuyển sinh.
 
Theo ông Ga, Bộ sẽ tính toán để số lượng thí sinh trên điểm sàn cao hơn tổng chỉ tiêu, đảm bảo đủ nguồn tuyển. Bên cạnh đó, Bộ đã cho phép thí sinh nộp và rút hồ sơ nhiều lần khi đăng ký xét tuyển NV2, NV3. Tuy nhiên, điểm sàn năm nay không thể hạ thấp hơn năm trước và Bộ không thể chiều theo các trường. "Những trường có chất lượng, có đủ uy tín sẽ thu hút được nhiều thí sinh. Nhiều trường chưa tạo được uy tín thì nhiều thí sinh bằng hoặc trên điểm sàn họ cũng không vào học" - ông Ga khẳng định.
 
Chuyện điểm sàn xem ra năm nào cũng không ít điều để nói. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng là các trường phải xây dựng thương hiệu chứ không phải kêu mãi về điểm sàn. Nếu vì lo sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu mà coi thường hoặc bỏ đi điểm sàn, dư luận xã hội sẽ lo ngại chất lượng đào tạo của các trường khi điểm đầu vào quá thấp. Bản thân Bộ cũng cần đưa ra một cách thức tuyển sinh phù hợp hơn để hướng đến mục đích đào tạo nguồn nhân lực tốt, tránh tình trạng lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có của nhiều trường.
 

 
 
"Bộ đang nghiên cứu để đưa ra phương án thi ĐH nhiều môn. Tuy nhiên, để tổ chức thi ĐH nhiều môn cần có một lộ trình chuẩn bị. Từ nay đến năm 2015, Bộ sẽ đổi mới từng bước để tiến tới mục tiêu đổi mới cơ bản thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH". Ông Bùi Văn Ga Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.