Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 14/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 94,58 USD/thùng, tăng 1,48 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 95,68 USD/thùng, tăng 1,24 USD/thùng trong phiên.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới tiếp tục leo thang, đe doạ làm gián đoạn nguồn cung dầu thô vốn đang hạn hẹp trên thị trường đẩy giá dầu ngày 14/2 tăng vọt.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 13/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định, Nga có thể tấn công Ukraine trước khi Thế vận hội Olympic Bắc Kinh kết thúc vào ngày 20/2.
Trước đó, ngày 11/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết, Mỹ nhận thấy "những dấu hiệu rất đáng lo ngại" về nguy cơ Nga "động binh" với Ukraine.
Nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Úc... đã phát đi thông báo kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine khẩn cấp. Hàng loạt chuyến bay đến Ukraine cũng đã bị huỷ do lo ngại về một cuộc xung đột.
Sự xáo trộn nguồn cung năng lượng xung quanh vấn đề Nga – Ukraine, nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ và khí đốt… có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng năng lượng trên phạm vi toàn cầu, đẩy giá các mặt hàng năng lượng tăng cao.
Nga là một trong những siêu cường năng lượng và là nhà sản xuất dầu mỏ, khí đốt và than đá có vai trò quan trọng hàng đầu thế giới.
Sau cuộc bầu cử thất bại dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12 năm 2021, có nguy cơ mang lại sự hỗn loạn cho các thể chế bị chia rẽ của Libya và làm tăng viễn cảnh xung đột mới cũng như phong tỏa các cảng dầu và cơ sở hạ tầng năng lượng.
Nguồn cung dầu từ UAE cũng đang bị ảnh hưởng bởi các đợt tấn công từ nhóm Houthi của Yemen càng làm gia tăng áp lực nguồn trên thị trường.
Năng lực sản xuất của OPEC+ cũng rất hạn chế khi trong báo cáo mới nhất cho thấy, trong tháng 1/2022, 13 thành viên của OPEC, bao gồm ba nhà sản xuất được miễn trừ khỏi hạn ngạch OPEC+ là Iran, Libya và Nigeria đã bơm 27,981 triệu thùng/ngày, tăng 64.000 thùng/ngày so với tháng 12. Con số này là thấp hơn rất nhiều so với mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng mà OPEC+ đã thống nhất thực hiện trước đó.
Trong khi nguồn cung dầu thô tiếp tục thắt chặt thì nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu lại đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ khi nhiều nước gỡ dần các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19. Điều này cũng là tác nhân đã thúc đẩy giá dầu hôm nay tăng mạnh.