Trong bối cảnh, tình trạng nghẽn lệnh trên “chợ lớn” HOSE vẫn chưa cải thiện, khối ngoại tiếp tục bán ròng và nhiều yếu tố vĩ mô tích cực cũng như tiêu cực đan xen, câu hỏi đặt ra, liệu VN- Index có thể giữ phong độ để bền bỉ chạy đường dài?
Khối ngoại liên tục bán ròng
Sau phiên vất vả lên đỉnh 1.200 điểm ngày 18/3, đúng diễn biến thông thường, Vn-Index ngay lập tức chịu áp lực điều chỉnh và tuột khỏi mốc này ở phiên cuối tuần. Từ đầu tuần đến nay, chỉ số này liên tục lao dốc, nhà đầu tư có xu hướng bán ra mạnh khiến có những phiên VN-Index rơi tự do hơn 20 điểm (phiên 24/3). Trong phiên này, VN-Index giảm 21,64 điểm (-1,83%) xuống còn 1.161,81 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 408 mã giảm và 26 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,65 điểm (-1,34%) xuống 268,69 điểm. Toàn sàn có 67 mã tăng, 147 mã giảm và 50 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,64 điểm (-0,79%) xuống 80,5 điểm.
Đáng quan ngại là việc khối ngoại liên tục bán ròng dù có những phiên, thị trường rực rỡ. Phiên mới nhất, 24/3, khối ngoại tiếp tục bán ròng 340 tỷ đồng, tập trung bán KBC, HPG, CTG… Hai phiên trước đó, lực bán tập trung vào một vài cái tên "quen thuộc" như VNM (-187,5 tỷ đồng), CTG (-76,6 tỷ đồng), VCB (-31,8 tỷ đồng)… với tổng giá trị bán ròng 270 tỷ đồng trên toàn thị trường (phiên 23/3); phiên 22/3, khối này cũng bán ròng 450 tỷ đồng. Trong tuần từ 15 - 19/3, tính chung trên cả 3 sàn giao dịch, khối ngoại bán ròng 3.183 tỷ đồng.Trạng thái này ảnh hưởng khá tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Theo nhận định của FiinTrade, thị trường có thể tốt hơn nếu trạng thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài giảm trong thời gian tới.Thị trường đi xa được bao lâu?Trên thế giới, các chỉ số lớn như DJ, Nikkei, Sanghai, Hang Seng tuần này đồng loạt giảm điểm do lo ngại về tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến xấu tại châu Âu và lãi suất trái phiếu Mỹ có chiều hướng gia tăng.Trong nước, việc Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho các ngân hàng giảm so với năm 2020 (dự kiến mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng năm nay vào khoảng 12%) cũng tác động tới tâm lý và hành động của nhà đầu tư. Đây là động thái cho thấy cơ quan quản lý đang phát ra tín hiệu có thể kiềm chế dòng tiền đổ vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay chứng khoán.Công ty Chứng khoán MBS đánh giá, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục đi lên chậm trong nghi ngờ với động lực chính là các nhóm cổ phiếu trong VN30. VN-Index có thể vượt 1.200 điểm nhưng khó đi xa trong giai đoạn cuối tháng 3.Hiện, có tới gần 60% số cổ phiếu trong HOSE vượt ngưỡng 1.200 điểm và tập trung chủ yếu ở nhóm midcap, trong khi lực cản vẫn đến từ nhóm Vn30 khi chỉ có 29% số mã vượt đỉnh (chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng như MBB, TCB, CTG, BID). Mặc dù có triển vọng vượt đỉnh trong ngắn hạn, tuy vậy kịch bản tiếp tục đi ngang có thể sẽ còn tiếp diễn trong tuần.Các chuyên gia MBS cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò dẫn dắt thị trường với những thông tin hỗ trợ khá tích cực, như liên quan đến kết quả kinh doanh sớm hay việc nâng triển vọng tín nhiệm của Moody’s. Tuần qua, nhóm này có mức tăng bình quân 2,27% với mức tăng 3,35% ở nhóm chứng khoán và 3,24% ở nhóm cao su tự nhiên.Về chiến lược đầu tư, hiện giới đầu tư đang đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế nên nhóm cổ phiếu được hưởng lợi và cũng rất nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế như dịch vụ tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…) hoặc nhóm cổ phiếu vật liệu cơ bản (thép, cao su...) hay nhóm cổ phiếu dầu khí… sẽ là địa chỉ của dòng tiền. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tỏ ra vượt trội nhờ tính thanh khoản cao và nhiều thông tin hỗ trợ nếu xét về khả năng dẫn dắt thị trường.