Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vượt khó, giữ rừng phòng hộ Xuân Lộc

Bài, ảnh: Trương Hiệu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Buổi sáng một ngày tháng 4/2021, chúng tôi theo chân các nhân viên giữ rừng thuộc Phân trường Đầm Voi (đóng tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đi thực địa vào rừng phòng hộ Xuân Lộc.

Căng mình bảo vệ rừng

Từ Quốc lộ 1, chúng tôi theo con đường ngoằn ngoèo, liên tục xuất hiện ổ voi, ổ gà. Dù tiết trời khu vực Nam Bộ vào cao điểm mùa khô nhưng trên mỗi đoạn đường đi còn hằn rõ những vũng sình lầy do cơn mưa trái mùa vừa diễn ra nơi đây. Đến những đoạn dốc đồi, bụi bay mù mịt. Anh Nguyễn Sỹ Lệnh - Phó trưởng phòng Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết, để làm công tác quản lý bảo vệ rừng, mỗi ngày cán bộ, nhân viên trong Ban phải đi lại vài chục cây số trong các cung đường rừng như thế.
Các nhân viên chốt trực chòi canh Phân trường Đầm Voi cùng bà con Nhân dân địa phương tham gia công tác giữ rừng phòng hộ.
“Hàng ngày, anh em ở đây phải căng mình ra để thực hiện công tác bảo vệ rừng phòng hộ. Vào mùa khô, anh em tập trung cho công tác phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên mùa khô thì rất bụi bẩn, mùa mưa thì lầy lội. Anh em phải leo trèo qua các khu vực rẫy rừng khó khăn để đi trực bảo vệ rừng” - anh Nguyễn Sỹ Lệnh cho biết.

Anh Lệnh cũng cho biết, anh gắn bó với công tác bảo vệ rừng từ năm 1998 đến nay. Mỗi ngày, anh cùng các cán bộ và bà con nông dân tham gia công tác giao khoán trồng rừng, xây dựng và phát triển rừng phòng hộ.

Đi vào tận sâu trong rừng phòng hộ, chúng tôi gặp các chốt trực chòi canh. Ông Nguyễn Văn Dũng (năm nay 57 tuổi) cho biết, tại chòi canh này có 4 nhân viên thay nhau trực phòng cháy chữa cháy rừng suốt ngày. Mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Dũng phải ít nhất 4 lần leo lên chòi trực canh (cao 27m) để theo dõi bao quát xung quanh khu vực rừng phòng hộ rộng hàng ngàn héc ta. Nếu phát hiện một ngọn lửa nhỏ hoặc những hiện tượng khai thác phá rừng là nhóm thành viên bảo vệ rừng báo cáo về bộ phận chuyên môn để xử lý nhanh chóng.

Phủ kín rừng xanh

Ông Thái Văn Phượng (nguyên cán bộ Phân trường Đầm Voi) có gần 40 năm thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ tại đây. Ông Phượng cho biết, từ năm 1982 khi ông vào Phân trường này còn rất khó khăn, không có kinh phí hoạt động, lực lượng nhân viên cũng mỏng. Rừng tự nhiên ở đây hầu như đã bị phá hết. Từ những năm 1990 trở đi, những chính sách của Nhà nước thay đổi, giao khoán đất trồng rừng cho người dân. Qua thời gian dài như vậy, đất đai từ từ được giao cho người dân nhận khoán, người dân cố gắng, cộng với chính sách hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, công tác trồng rừng, xây dựng rừng, bảo vệ rừng được phát huy. Cho đến nay, hơn 90% diện tích hoang vu đồi trọc ngày xưa nay đã được phủ kín rừng xanh.

Ông Thái Văn Phượng phấn khởi cho biết: Hiện nay, các hộ dân nhận giao khoán trồng rừng bảo vệ rừng ngày nay hầu hết họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Kể từ ngày họ nhận đất rừng đời sống kinh tế của họ khá lên. Có những hộ thu nhập bạc tỷ hàng năm, xây nhà lớn khang trang.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc được giao quản lý hơn 10.000ha rừng và đất lâm nghiệp, nằm trên địa bàn hành chính thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và một phần thuộc địa phận các huyện Tánh Linh và Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Hiện có gần 2.300 hộ dân canh tác đất rừng, hợp đồng trồng rừng và giữ rừng phòng hộ. Trong đó có gần 500 hộ sống ổn định tại chỗ trong lâm phận. Chính vì vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng khá phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp và an ninh trật tự trị an trong khu vực.

Trước tình hình đó, trong thời gian qua, công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng theo Quy chế phối hợp được UBND huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) ban hành và chỉ đạo đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ và cơ quan chức năng thuộc huyện Xuân Lộc thường xuyên quan tâm thực hiện với sự đồng thuận, thống nhất cao. Qua đó góp phần làm cho tình hình quản lý bảo vệ rừng và an ninh trật tự trên lâm phận đạt trong thời gian qua đạt kết quả khá tích cực. Đất đai được quản lý khá tốt, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ba loại rừng.