Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vượt ngưỡng chịu tải của số đông

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả hai phương án về dự thảo Luật thuế Tài sản được Bộ Tài chính phát đi, theo giới chuyên gia tài chính là đang vận dụng mức lỗi thời.

 TS Kinh tế Nguyễn Minh Phong 
Chia sẻ với báo Kinh tế&Đô thị, TS Kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, về nguyên tắc, thu thuế về tài sản, bất động sản là phù hợp thông lệ quốc tế. Song, đưa ra dư luận một dự án với ý tưởng… không rõ ràng, lại động chạm đến đông đảo người dân, chịu phản ứng tiêu cực là dễ hiểu.
Người dân có cảm giác “thuế chồng thuế” trước đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng. Ở góc độ chuyên môn, ông đánh giá như thế nào về dự thảo Luật Thuế tài sản này?

- Việc đánh thuế tài sản không mới. Thực tế chúng ta đang đánh thuế quyền sử dụng đất - cũng là một dạng tài sản. Bây giờ, có chăng đánh thêm thuế nhà và ô tô có giá trị trên 1,5 tỷ đồng. Trên thế giới có 174/193 nước đã áp dụng thuế tài sản. Việc áp dụng ở Việt Nam cũng là tất yếu. Tuy nhiên, nguyên tắc cao nhất của việc đánh thuế tài sản nằm ở chỗ hài hòa lợi ích, hướng tới tính chất nhân văn. Hơn nữa phải tính tới sức chịu đựng của người dân và động lực phát triển nền kinh tế qua sắc thuế này ngoài mục tiêu đồng bộ hóa, tăng nguồn thu…

Hiểu đơn giản là dự thảo sắc thuế này đang vượt ngưỡng chịu tải của số đông người dân?

- Khi đọc nội dung dự thảo này, tôi thấy còn nhiều vấn đề phải xem xét thận trọng. Thứ nhất, thiết kế luật rất đơn giản và lỏng lẻo. Hầu như chỉ là một vài ý tưởng…không rõ ràng chứ chưa phải một luật thuế nghiêm túc và thấu đáo như các mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra. Thứ hai, cả hai phương án đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng với thuế suất 0,4% và 1 tỷ đồng cho 0,3% đều không ổn. Theo tôi, phải lên kế hoạch cho phương án thứ 3. Cụ thể, tính mức miễn cao hơn 1 tỷ đồng và mức đóng thuế 5 - 10 năm đầu phải rất thấp. Mục đích là tạo thói quen và đo lường sức khoẻ của người dân về kinh tế. Với tinh thần đó, cần có sự điều chỉnh theo hướng xác định lại ngưỡng tối thiểu không phải là trên 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mà phải cao hơn. Còn thuế suất chỉ nên ở ngưỡng 0,2 (thậm chí là thấp nữa). Như vậy, mới có thể lấy được sự đồng thuận của đông người dân thu nhập thấp và trung bình đang bức xúc.

Ngoài ra, dự thảo này còn cần bổ sung thêm một số quy định khác không, thưa ông?

- Theo như dự thảo của Bộ Tài chính, hệ số của việc khấu hao nhà ở như thế nào chưa có. Thuế tài sản về nguyên tắc còn phải tính cả những tài sản có trong ngôi nhà. Trong khi đó, dự thảo chưa rõ về quy định bổ sung trượt giá. Đây là chi tiết rất quan trọng, bởi, hàng năm UBND các tỉnh đều tính tăng thêm giá đất, hệ số xây dựng nhưng dự thảo này, Bộ Tài chính chưa quy định tăng điều chỉnh tương ứng ngưỡng này. Giống như mức lương tối thiểu, thuế thu nhập cũng phải tăng lên.

Đáng chú ý, cần tính đến câu chuyện công bằng. Rất vô lý khi đánh thuế nhà giá trị rất thấp trong khi ô tô 1,5 tỷ đồng mới bị đánh thuế. Nghịch lý ở chỗ, một bên là nhu cầu tối thiểu, một bên là phương tiện đi lại xa xỉ. Điều này cho thấy, tinh thần nhân văn của Luật chưa tới, làm cho người dân rất khó đồng thuận. Theo tôi, không nên đánh trực tiếp vào túi tiền của người nghèo và quyền nhà ở - một trong những quyền chuẩn nghèo đa chiều.

Xin cảm ơn ông!