Warren Buffett và những bài học kinh điển
Kinhtedothi - Thông báo từ chức CEO Berkshire Hathaway vào cuối năm 2025 từ Warren Buffet không chỉ đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên, mà còn làm sáng tỏ di sản vĩ đại của ông - một di sản không chỉ đo bằng con số mà còn bằng những bài học vượt thời gian về đầu tư, lãnh đạo và nhân cách.
Hành trình xây dựng một đế chế kinh doanh
Sinh ra tại TP Omaha, bang Nebraska (Mỹ), năm 1930, Warren Buffett lớn lên trong bối cảnh kinh tế đầy biến động của cuộc Đại suy thoái. Từ những ngày đầu làm việc với tư cách là một nhà đầu tư trẻ tuổi dưới sự hướng dẫn của Benjamin Graham - cha đẻ của đầu tư giá trị - ông Buffett đã xây dựng triết lý đầu tư dựa trên sự kiên nhẫn và kỷ luật.
Năm 1965, khi tiếp quản Berkshire Hathaway, Warren Buffet không chỉ mua lại một công ty dệt đang gặp khó khăn mà còn đặt nền móng cho một đế chế kinh doanh đa ngành. Từ việc sở hữu các công ty bảo hiểm như Geico, đường sắt BNSF, đến việc nắm giữ cổ phần lớn trong những gã khổng lồ như Coca-Cola, American Express và Apple, ông đã chứng minh rằng đầu tư không chỉ là việc chọn cổ phiếu mà còn là nghệ thuật mua những DN tuyệt vời với mức giá hợp lý và nắm giữ chúng vĩnh viễn.
Đặc biệt, thành công của Warren Buffett không đến từ những mánh khóe tài chính hay quyền tiếp cận đặc quyền, mà từ khả năng đọc hiểu sâu sắc các bảng cân đối kế toán và tầm nhìn vượt xa những biến động ngắn hạn của thị trường. Ông đã biến “tiền nổi” từ các công ty bảo hiểm thành động lực tài chính, sử dụng nguồn vốn này để thâu tóm các DN và đầu tư vào những cơ hội mà người khác bỏ qua.
Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi thị trường hoảng loạn, Warren Buffett đã đầu tư hàng tỷ USD vào ngân hàng Goldman Sachs và công ty điện General Electric. Động thái này không chỉ cứu vãn các công ty trên, mà còn củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính ở Mỹ. Không những vậy, chúng còn mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ và khẳng định vai trò của Warren Buffett như một “tấm chăn an ninh cho chủ nghĩa tư bản Mỹ”, như Jamie Dimon - CEO của công ty tài chính JPMorgan Chase, từng nhận xét.
Điều làm nên sự khác biệt của Warren Buffett không chỉ là con số tăng trưởng đáng kinh ngạc, khi đưa cổ phiếu của Berkshire Hathaway tăng hơn 5,5 triệu phần trăm từ năm 1964 đến 2024, vượt xa chỉ số S&P 500 mà còn là cách ông vận hành DN với sự chính trực. Ông giới hạn mức lương của mình ở 100.000 USD/năm, từ chối các quyền chọn cổ phiếu và luôn đặt lợi ích của cổ đông lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, tính cách giản dị, khiêm tốn của Warren Buffett - từ việc tự lái xe, sống trong ngôi nhà cũ ở Omaha, đến sở thích thưởng thức các món ăn bình dân như đồ uống của Coca-Cola hay đồ ngọt của Dairy Queen - đã biến ông thành biểu tượng của sự chân thật trong một thế giới kinh doanh đầy rẫy cám dỗ.
Bài học lãnh đạo vượt thời gian
Ngoài tài đầu tư, Warren Buffett còn là một nhà lãnh đạo và người thầy lỗi lạc, người đã truyền cảm hứng cho các thế hệ giám đốc điều hành trên khắp thế giới. Triết lý quản trị của ông, được đúc kết qua những lá thư thường niên và các cuộc trò chuyện thẳng thắn, nhấn mạnh vào sự đơn giản, trung thực và tập trung vào dài hạn.
David Novak, cựu CEO của tập đoàn đồ ăn nhanh Yum! Brands, nhớ lại một câu hỏi đơn giản của Warren Buffett trong một bữa trưa tại nhà hàng KFC: “Cậu có bao giờ nói về những điều có thể xảy ra không?”. Câu hỏi này đã thay đổi cách ông Novak giao tiếp với các nhà đầu tư, và khuyến khích ông thẳng thắn về những thách thức tiềm ẩn để xây dựng lòng tin.
Tương tự, Jim Weber, cựu CEO của hãng giày thể thao Brooks Running, đã học được từ vị thuyền trưởng của Berkshire Hathaway rằng việc bỏ qua những biến động ngắn hạn như tỷ giá hối đoái và tập trung vào khách hàng là chìa khóa để xây dựng một DN bền vững.
Warren Buffett cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn đúng người lãnh đạo và xây dựng đội ngũ dựa trên sự chính trực, thông minh và năng lượng. Brandon Guthrie, giám đốc của Dairy Queen, công ty thuộc sở hữu của Berkshire Hathaway, từng trích dẫn khẩu hiệu yêu thích của “nhà tiên tri xứ Omaha”: “Sự vắng bóng của ngu ngốc còn đáng giá hơn sự hiện diện của thiên tài”.
Lời khuyên này nhắc nhở các nhà lãnh đạo về việc tránh những sai lầm không đáng có và duy trì sự khiêm tốn là nền tảng của thành công lâu dài. Tracy Britt Cool, một học trò của Warren Buffett, đã áp dụng triết lý này khi xây dựng công ty đầu tư của riêng mình, trong đó tập trung vào các DN chất lượng cao và hợp tác với những con người xuất sắc.
Một trong những bài học sâu sắc khác của Warren Buffett là tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc trong đầu tư và lãnh đạo. Tại cuộc họp thường niên năm nay, ông chia sẻ với một nhà đầu tư trẻ: “Tôi sẽ tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn thay vì những điều tồi tệ xảy ra”.
Lời khuyên này không chỉ áp dụng cho thị trường chứng khoán mà còn cho cách mỗi người đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Warren Buffett khuyến khích các nhà đầu tư vượt qua tâm lý đám đông, tránh sự tự tin thái quá và không để nỗi sợ hãi chi phối các quyết định. Cách tiếp cận này giúp ông biến những thời điểm thị trường bi quan nhất thành cơ hội sinh lời, như ông từng nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện các giao dịch tốt nhất khi mọi người bi quan nhất”.
Nguồn cảm hứng cho tương lai
Di sản của Warren Buffett không chỉ nằm ở những con số tài chính hay danh mục đầu tư khổng lồ của Berkshire Hathaway, mà còn ở cách ông đã thay đổi tư duy của thế giới về đầu tư và lãnh đạo. “Nhà tiên tri xứ Omaha” đã chứng minh rằng đầu tư giá trị - mua những DN tuyệt vời với mức giá hợp lý và nắm giữ lâu dài - là con đường bền vững để xây dựng của cải.
Quan trọng hơn, ông đã truyền tải thông điệp rằng thành công không chỉ đến từ sự thông minh mà còn từ sự chính trực, kỷ luật và lòng tin vào tương lai. Tỷ phú Bill Gates, trong lời tri ân của mình, gọi Warren Buffett là “một trong những CEO vĩ đại nhất từ trước đến nay”, không chỉ vì những thành tựu kinh doanh mà còn vì tấm gương từ thiện và tinh thần lạc quan của ông.
Khi Warren Buffett bước khỏi vai trò lãnh đạo, thế giới không chỉ mất đi một nhà đầu tư huyền thoại mà còn mất đi một người thầy, một người cố vấn và một biểu tượng của chủ nghĩa tư bản có đạo đức. Dù Greg Abel - người được tin tưởng giao phó vai trò CEO mà tỷ phú Buffett để lại - được đánh giá cao về năng lực điều hành, nhiều người cho rằng Berkshire Hathaway khó có thể giữ được ánh hào quang mà tỷ phú Buffett đã tạo ra. Điều này, như lời Bill Smead - một cổ đông lâu năm của công ty, giống như “sự kết thúc của một kỷ nguyên”.
Trích dẫn
Trong hơn 6 thập kỷ, Warren Buffett đã khắc sâu tên mình vào lịch sử kinh doanh thế giới như một biểu tượng của sự khôn ngoan, chính trực và tầm nhìn dài hạn. Ông đã biến Berkshire Hathaway từ một nhà máy dệt nhỏ bé thành tập đoàn trị giá hơn 1.000 tỷ USD, đồng thời truyền cảm hứng cho hàng triệu nhà đầu tư và lãnh đạo DN trên toàn cầu. Những lời tri ân từ các tên tuổi lớn như Bill Gates, Jamie Dimon hay Tim Cook là minh chứng cho tầm ảnh hưởng sâu rộng của tỷ phú Buffett.

Tỷ phú Warren Buffett hé lộ "3 trụ cột" làm nên nước Mỹ vĩ đại
Kinhtedothi - Với phong cách thẳng thắn, đầy trách nhiệm nhưng cũng không kém phần dí dỏm, tỷ phú Warren Buffett đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những thứ được ông xem như “3 trụ cột” để làm nên nước Mỹ vĩ đại.

Tỷ phú Warren Buffett bất ngờ tuyên bố nghỉ hưu
Kinhtedothi - Ngày 3/5, tỷ phú Warren Buffett, 94 tuổi, bất ngờ thông báo sẽ rời vị trí CEO của tập đoàn Berkshire Hathaway vào cuối năm nay, khép lại 60 năm lãnh đạo “huyền thoại” của mình.

Chân dung người kế vị tỷ phú Warren Buffett tại "đế chế" Berkshire Hathaway
Kinhtedothi - Trong bối cảnh ông Warren Buffett, huyền thoại ngành đầu tư thế giới, tuyên bố nghỉ hưu vào cuối năm 2025, ánh mắt của giới tài chính toàn cầu đổ dồn vào Greg Abel – người được vị tỷ phú 94 tuổi lựa chọn để tiếp quản "đế chế" Berkshire Hathaway trị giá hơn 1,2 nghìn tỷ USD.