Washington DC hóa “pháo đài” trước ngày Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ

Gia Tuấn (PV thường trú tại Mỹ)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bạo loạn ở điện Capitol do những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump gây ra vào ngày 6/1, đã đưa tới một diện mạo hoàn toàn khác cho Thủ đô nước Mỹ trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden chỉ vài ngày. Những con đường tại Washington DC dẫn đến Công viên quốc gia (National Mall) ghi nhận phong tỏa hoàn toàn, cùng số lượng Vệ binh quốc gia kỷ lục.

Cuộc nhậm chức “ba không”
Không có cảnh hàng trăm ngàn người dân Mỹ đứng vây kín trước điện Capitol mừng lễ nhậm chức của vị Tổng thống thứ 46. Không có tiếng reo hò, hát ca cùng biểu ngữ. Cũng sẽ không có những cuộc diễn hành cùng các xe bán “fast food” thơm lừng trên các con đường “vàng” Washington… Đếm ngược thời gian, lễ nhậm chức “ba không” chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ vì đại dịch Covid-19 sắp diễn ra trong 2 ngày tới (theo giờ Washington).
Những chiếc xe quân sự xuất hiện tại Washington D.C.
Trước đây, để đi vào thủ đô Washington D.C, người ta thường chọn tàu điện ngầm vì sự thuận lợi về giao thông. Nhưng, kể từ ngày 15/1, theo lệnh phong tỏa của thị trưởng Washington D.C, không phải sân ga nào cũng được hoạt động. Các đoàn tàu không thể dừng lại ở những sân ga gần các “điểm nóng” như: Điện Capitol, tòa Bạch ốc, Tối cao pháp viện, Đài tưởng niệm Lincoln…
Hiện tại, khi bước ra khỏi nhà ga L’Enfant, nơi gần nhất để đi đến tòa nhà Quốc hội, hình ảnh đầu tiên nhìn thấy là hàng loạt chiếc xe bọc thép cùng lực lượng Vệ binh quốc gia có vũ trang. Ở các vệ đường, khoảng vài mét lại có xe cảnh sát luôn sáng đèn. Bên cạnh những hình ảnh áp đảo về vấn đề an ninh, 191.500 lá cờ đủ kích cỡ tượng trưng cho người dân không thể đến tham dự, cùng 56 bệ đèn đã được cắm và dựng quanh khu vực tổ chức.
Tướng Daniel Hokanson - Cục trưởng Cục Vệ binh quốc gia từng tiết lộ, số lượng vệ binh sẽ tăng lên 21.000 người vào ngày nhậm chức. Các lính canh được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại điện Capitol đang mang theo vũ khí. Ngoài ra, hải quan và biên phòng thông báo rằng họ có kế hoạch triển khai máy bay đến Thủ đô để thực hiện giám sát.

Ở một diễn biến khác, chính quyền ở Washington D.C và các nơi khác đã chuẩn bị cho các hành động bạo động có thể bùng phát của một số người ủng hộ Tổng thống Trump. Site Intelligence Group - đơn vị chuyên theo dõi các mối đe dọa cực đoan trên mạng, dự báo rất có thể có một cuộc biểu tình vũ trang cực hữu đang được lên kế hoạch vào ngày 18/1, trước lễ nhậm chức ngày 20/1 của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Điện Capitol nhìn từ hàng rào sắt đen trong ngày 17/1.
Trong khi người dân Mỹ hy vọng bạo loạn cực đoan sẽ không xảy ra lần nữa, giới chức trách lại nhận định “rõ ràng chúng ta đang dò đá qua sông”. Hiện tại bạo loạn chưa xảy ra, không có nghĩa nó sẽ không xảy ra những ngày sắp tới. Việc chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng cho khả năng xấu nhất là ưu tiên hàng đầu.
Chính trị sẽ ổn định sau 20/1?

Dọc hai bên con đường Constitution Ave nối dài từ Capitol đến Lincoln Memorial, nơi tân Tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức là hàng rào sắt đen “ngoại bất nhập”. Từ du khách cho đến giới truyền thông đều không được vượt qua.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, đây là lần thứ ba Thủ đô Washington D.C rơi vào tình cảnh “lock down”, và cũng là lần đầu tiên, các biện pháp an ninh được áp dụng ở mức độ cao nhất. Điều đáng nói, biện pháp này được sử dụng để “bảo vệ” cho lễ nhậm chức Tổng thống của Hoa Kỳ. Với người Mỹ, đây là một nỗi buồn.
Khoảng 21.000 lính Vệ binh quốc gia có vũ trang bố trí canh gác dày đặc
Một người phụ nữ đội chiếc mũ có dòng chữ “BidenHarris 2020” ngập ngừng: “Tôi vẫn tin vào giá trị của nước Mỹ. Mọi chuyện sẽ ổn hơn sau ngày 20/1 khi ông Joe Biden lên cầm quyền”.

Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe chạy vào bên trong và dừng lại ở cuối con đường Constitution, nơi dẫn vào trong khu vực National Mall. Vài người lính bước đến. Họ trao đổi với nhau vài câu và mở cánh cửa sắt cho xe chạy vào trong.

Nhìn qua hàng rào sắt, tòa nhà Quốc hội - niềm kiêu hãnh, biểu tượng quyền lực của nước Mỹ, bỗng dưng lắng đọng như một vị tướng quân cần dưỡng thương và được bảo vệ trước ngày xung trận.