Washington mong muốn Tehran “thiện chí” khi nối lại đàm phán hạt nhân

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Washington tin tưởng có thể cùng Tehran giải quyết nhanh chóng những vấn đề còn tồn đọng tại vòng đàm phán hồi cuối tháng 6 vừa qua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. Ảnh: AP

Mỹ và Iran có kế hoạch khởi động lại các cuộc đàm phán vào ngày 29/11 tới về việc quay trở lại Thỏa thuận Hạt nhân Iran ký năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 3/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price xác nhận rằng Phái đoàn Mỹ do Đặc phái viên về Iran Robert Malley dẫn đầu, sẽ tham gia các cuộc đàm phán về JCPOA diễn ra tại thủ đô Vienna, Áo.
Theo người phát ngôn, Washington tin rằng vẫn có thể nhanh chóng đạt được và thực hiện sự hiểu biết về việc hai bên cùng tuân thủ JCPOA. Ông Price lưu ý thêm rằng các cuộc đàm phán sắp tới nhằm khôi phục JCPOA nên bắt đầu từ nơi đã dừng lại sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ sáu hồi tháng 6/2021.
Thông báo này đánh dấu bước tiến đầu tiên về việc tiếp tục các cuộc thảo luận gián tiếp giữa Mỹ và Iran, sau khi các cuộc đàm phán trước đó đổ vỡ vào tháng 6 vừa qua.
Trước đó cùng ngày, ông Ali Bagheri Kani - nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran, thông báo nhất trí nối lại đàm phán với các cường quốc về JCPOA vào ngày 29/11 trong bối cảnh các cường quốc phương Tây cảnh báo chương trình hạt nhân của Tehran đang tiến đến mức độ nguy hiểm.
Ông Ali Bagheri Kani thông báo quyết định trên sau cuộc điện đàm với nhà ngoại giao Enrique Mora, quan chức Liên minh châu Âu phụ trách điều phối các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn JCPPA.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran hôm 3/11 tuyên bố các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận sẽ thất bại trừ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết rằng Washington sẽ không từ bỏ hiệp ước một lần nữa.
Tiến trình đàm phán về việc Mỹ trở lại JCPOA hiện bị ngừng trệ sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ sáu vào tháng 6 vừa qua. Vòng thứ bảy, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, sẽ là vòng đàm phán đầu tiên nhằm hồi sinh JCPOA kể từ khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhậm chức vào tháng 8.
Thỏa thuận JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019. Sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ trở lại JCPOA.
Tháng 4 vừa qua, các bên bắt đầu tiến hành đàm phán ở Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA. Tuy nhiên, Mỹ chỉ tham gia đàm phán gián tiếp. Các cuộc đàm phán tạm ngừng vào tháng 6 vừa qua do  Iran có sự thay đổi về lãnh đạo sau cuộc bầu cử tổng thống. Kể từ khi ông Ebrahim Raisi lên nắm quyền thay người tiền nhiệm Hassan Rouhani, Chính phủ Iran đã bắt đầu xúc tiến đàm phán trở lại, đồng thời chỉ trích Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần