Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WB: Đầu tư công, phối hợp tài khoá và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam phải đồng bộ.

Đây là khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) tại buổi Công bố báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 3/2023 diễn ra sáng 13/3.

GDP 2023 của Việt Nam dự kiến đạt 6,3%

Ấn bản tháng 3/2023 với tiêu đề "Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng" của WB nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023, sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.

WB công bố Báo cáo Điểm lại - Cập nhật Tình hình kinh tế Việt Nam tháng 3/2023
WB công bố Báo cáo Điểm lại - Cập nhật Tình hình kinh tế Việt Nam tháng 3/2023

Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 cao (đạt 8% năm 2022 so cùng kỳ) một phần nhờ vào hiệu ứng tăng trưởng thấp năm trước đó, tiêu dùng phục hồi sau Covid-19 và kết quả vững chắc của các hoạt động chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm.

Năm 2023, WB đánh giá cao những nền tảng vĩ mô ổn định của Việt Nam, tuy nhiên thách thức là rất lớn. Du lịch phục hồi khi du khách Trung Quốc vốn đóng góp khoảng 30% tổng lượt du khách đến Việt Nam dần quay lại. Song tăng trưởng của khu vực này vẫn còn yếu, chưa quay về mức trước đại dịch. Nhu cầu trong nước dự kiến bị ảnh hưởng do lạm phát khoảng 4,5%, cao hơn so với năm ngoái.

Trong nửa đầu năm nay, dự kiến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chế biến sẽ chậm lại do nhu cầu tại Mỹ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn chưa rõ.

WB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai Chương trình Hỗ trợ Kinh tế - chiếm khoảng 1,6% GDP, chú trọng những dự án đầu tư công trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, áp lực về tỷ giá vẫn còn, đòi hỏi sự linh hoạt trong điều hành lãi suất và tăng cường giám sát để hạn chế rủi ro tài chính.

4 động lực tạo dư địa cho tăng trưởng

Giám đốc WB tại Việt Nam Carolyn Turk chỉ ra bốn vấn đề có thể giúp Việt Nam phát huy được tiềm năng, đem lại thêm nhiều việc làm và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng.

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả”.

Thứ hai, khu vực dịch vụ của Việt Nam đang có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, đồng thời thu hút ngày càng nhiều lao động, và năng suất lao động cũng đang tăng lên trong thập kỷ qua kể từ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả đạt được của Việt Nam trong khu vực dịch vụ còn chưa bắt nhịp được với các quốc gia so sánh như Malaysia, Philipines, Indonesia,...

Do đó, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững. Điều này bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp.

Báo cáo cũng khuyến nghị xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài, cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, khuyến khích áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình; tăng cường năng lực và kỹ năng làm việc cho cả người lao động, cán bộ quản lý.