Quang cảnh buổi họp báo |
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng từ yếu tố bất lợi bên ngoài. Rủi ro tiếp tục gia tăng do tình trạng bất định toàn cầu tăng lên khi căng thẳng thương mại leo thang và biến động tài chính nhiều hơn. Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến, các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019.
Giám đốc Quốc gia của WB Ousmane Dione cho biết: Chúng tôi tin rằng triển vọng với Việt Nam vẫn tích cực. Động lực tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam vẫn là ngành chế tạo. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình 11 - 12%/năm trong vòng 4 năm qua. Ngành dịch vụ đạt kết quả kinh doanh tốt - dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững.
Tỷ lệ nợ/GDP giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn 58,4% năm 2018. Hoạt động thương mại sôi động đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới, với tỷ lệ thương mại trên GDP trong năm đạt gần 200%...
Sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được phê chuẩn vào hồi cuối năm ngoái thì EVFTA là một hiệp định thương mại quan trọng khác đối với Việt Nam. CPTPP hay EVFTA sẽ mở ra cơ hội “kép” cho kinh tế Việt Nam.
Một mặt, các hiệp định này sẽ tạo điều kiện để các DN Việt Nam tiếp cận với nhiều đối tác thương mại đa dạng trên thế giới, song, để tiếp cận thị trường rộng lớn của CPTPP hay EU, các sản phẩm của Việt Nam sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định để thúc đẩy khả năng cạnh tranh.
“Việt Nam cần phải tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua hiệp định khu vực và đa phương; trang bị cho lực lượng lao động những kiến thức, kỹ năng và trình độ để từ đó tận dụng tối đa lợi thế sẵn có” - Giám đốc Quốc gia của WB Ousmane Dione khuyến nghị.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù có chậm hơn so với năm ngoái, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định.
“Chúng tôi hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, với chỉ số lạm phát được duy trì ở mức dưới 4%, trong khi dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao.
Bên cạnh đó, tình trạng thâm hụt ngân sách tiếp tục được kiểm soát sẽ giúp tỷ lệ nợ công/GDP được cải thiện. Dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay. Tăng trưởng GDP năm 2020 và năm 2021 ước tính khoảng 6,5%”- báo cáo của WB nhấn mạnh.