WB lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn 6%

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đưa ra mức tăng trưởng khá ấn tượng 6,6% cho Việt Nam vào hồi cuối 2015, từ đó đến nay World Bank đã 2 lần liên tiếp con số dự báo này.

Thông tin này được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 vừa công bố mới đây. Theo phía ngân hàng này, trong 6 tháng đầu năm 2016,  tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại khi chỉ đạt 5% so với 6,3% của 2015.
Hạn hán và ngập mặn sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016
Hạn hán và ngập mặn sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016
Nguyên nhân của sự thụt lùi này bắt nguồn từ hạn hán và nhiễm mặn đã gây tác động lớn đến sản lượng của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, tăng trưởng trong các ngành sản xuất, chế biến của Việt Nam giảm nhẹ do môi trường toàn cầu, nhu cầu thế giới chưa khởi sắc cũng kéo đà tăng trưởng của nền kinh tế giảm xuống.

Tuy nhiên những yếu tố bất lợi trên lại được bù đắp bởi hiệu quả tăng trưởng trong bán lẻ, nhu cầu trong nước tương đối ổn định và ngành xây dựng được hỗ trợ bởi tín dụng. Kinh tế vĩ mô được duy trì, áp lực về giá giảm dù trong vài tháng qua giá cả có tăng lên, đặc biệt là giá thực phẩm. WB dự báo, lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ thấp hơn mức 5% đặt ra.

Mức lạm phát của Việt Nam trong năm 2016 sẽ thấp hơn 5%, đồng thời tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6%, WB đưa ra dự báo. Mặc dù tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ chậm lại nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực, phía ngân hàng nhận định.

WB cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng hạn hán sẽ khiến thu nhập của người nông dân Việt Nam giảm mạnh, đặc biệt khi cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao. Ước tính có khoảng 2 triệu hộ gia đình nghèo và cận nghèo của Việt Nam có thể bị tác động bởi hạn hán và nhiễm mặn.

Không chỉ đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế, WB còn cảnh báo tài khóa của Việt Nam vẫn tiếp tục mất cân đối. Nợ công đã chiếm khoảng 62,2% GDP và đang tiến gần tới mức trần 65% GDP. Kết quả về thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm cho thấy áp lực ngân sách sẽ còn tiếp diễn.

Đối với sự kiện Brexit của nước Anh, WB nhận định nếu điều này có xảy ra cũng có tác động không nhiều đến kinh tế Việt Nam. Sẽ có một số biến động về tỉ giá, chứng khoán, giá thức phẩm nhưng nếu xét trên cơ cấu về dòng tiền tài chính thì nền kinh tế Việt Nam không có nhiều nguy cơ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần