Phát biểu của ông Guterres, nằm trong bài diễn văn đặc biệt tại WEF 2022, nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia giàu có trong việc giúp các nước đang phát triển đạt được các mục tiêu khí hậu.
"Cốt lõi của những thất bại là sự bất lực toàn cầu trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển vào thời điểm họ cần" - Tổng thư ký LHQ nói hôm 17/1 và cảnh báo - “Nếu hành động của chúng ta không phù hợp với các mục tiêu khí hậu, ta sẽ tự kết tội mình với một trái đất nóng hơn, những thảm họa thiên nhiên tồi tệ hơn..."
Bên cạnh việc nói rằng thế giới cần phải đối phó với đại dịch Covid-19 một cách bình đẳng và công bằng - khi trích dẫn rằng tỷ lệ tiêm chủng ở các nước thu nhập cao hiện gấp 7 lần so với các nước châu Phi - ông Guterres kêu gọi cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Ông cho biết, hơn 8/10 USD dành cho phục hồi đã được chi cho các nước phát triển thay vì các nước nghèo hơn.
Ông Guterres đề cập cụ thể đến quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng gần đây của Nam Phi để "cai nghiện" than đá, liên quan đến thỏa thuận diễn ra tại Hội nghị biến đổi khí hậu của LHQ COP26 cuối năm ngoái, trong đó Liên minh châu Âu, Đức, Pháp, Anh và Mỹ cam kết trị giá 135 tỷ Rupi để giúp Nam Phi đạt được các mục tiêu hành động vì khí hậu và chuyển đổi từ việc phụ thuộc nhiều vào than sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch hơn.
Việc tài trợ sẽ diễn ra trong vòng 3-5 năm tới dưới hình thức viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi và các công cụ đầu tư và chia sẻ rủi ro, bao gồm cả việc huy động vốn tài trợ của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, tại buổi dạ tiệc hội nghị thượng đỉnh năng lượng do Hội đồng Kinh tế Thanh niên Nam Phi tổ chức hôm 14/1 vừa qua, Bộ trưởng Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Gwede Mantashe chia sẻ thẳng thắn trong bài phát biểu quan trọng của ông: "Họ sẽ không cho chúng tôi số tiền đó".
“Họ sẽ chỉ đưa nó cho chúng tôi nếu chúng tôi coi nó như một khoản vay chịu lãi suất. Đó là cách nó hoạt động. Thế giới là như vậy" - ông Mantashe nói.
Vị Bộ trưởng của Nam Phi cũng nhấn mạnh về câu chữ trong Hiệp ước Khí hậu Glasgow tại COP26. "Những gì được nói từ COP26, là sự giảm dần điện than không suy giảm và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả" - ông Mantashe nhấn mạnh từ "giảm".
“Nó không phải là loại bỏ hẳn than đá... Không, họ nói rằng chúng ta phải giảm dần. Có nghĩa là chúng ta phải có hệ thống trong việc giải quyết vấn đề để thoát khỏi than đá", ông Mantashe nói.
Truyền thông quốc tế đã từng đưa tin rằng vào cuối kỳ họp COP26, ngay trước khi văn bản kết thúc có tên là Hiệp ước Khí hậu Glasgow được thông qua, phái đoàn Ấn Độ đã thông báo về một sự thay đổi vào phút chót, thay thế từ "loại bỏ than đá" bằng "giảm dần than đá". Nam Phi - quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào than đá trong G20 - cùng với Iran và Nigeria, đã đồng ý với việc sửa đổi.
Trở lại WEF 2022, minh họa mức độ nghiêm trọng của việc gia tăng lượng khí thải và cuộc khủng hoảng khí hậu, Tổng thư ký LHQ lưu ý rằng mặc dù cần phải giảm lượng khí thải toàn cầu xuống 45% vào năm 2030 để giữ cho sự ấm lên của Trái đất ở mức trung bình là 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp, nhưng lượng khí thải toàn cầu vẫn sẽ tăng 14%.
Và trong số những tác động thảm khốc do sự ấm lên 1,2 độ C kể từ thời tiền công nghiệp lúc này, thiệt hại kinh tế được xác định liên quan đến khí hậu đã tăng 82% trong 2 thập kỷ qua, và thời tiết khắc nghiệt của năm 2021 đã gây đánh bay 120 tỷ USD, giết chết khoảng 10.000 người.
Trong bối cảnh đó, ông Guterres nhấn mạnh điều cần được ưu tiên là loại bỏ than đá, ngừng việc xây dựng các nhà máy than mới, và các quốc gia phát triển cần hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong quá trình chuyển đổi này.
"Các quốc gia khác phải đối mặt với những trở ngại to lớn về cấu trúc. An ninh năng lượng phức tạp của họ phụ thuộc nhiều vào than đá. Điều đó cản trở sự tiến bộ của tất cả chúng ta" - Tổng thư ký LHQ nói - "Họ cần được hỗ trợ"
Sự hỗ trợ này bao gồm việc thành lập các liên minh của các quốc gia và các tổ chức tài chính công - tư, quỹ đầu tư, và các công ty có bí quyết công nghệ để cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật có mục tiêu cho mọi quốc gia cần hỗ trợ.
Các quốc gia đang phát triển đã cung cấp hỗ trợ quốc tế trong quá khứ và Guterres lưu ý rằng tuần trước, ông đã tham gia một cuộc họp của Liên minh tài chính Glasgow cho Net Zero - tổ chức đã huy động hơn 130 nghìn tỷ USD cho mục tiêu "phát thải ròng bằng 0"
"Toàn bộ hệ thống tài chính nên tuân theo sự dẫn dắt của họ" - nhà lãnh đạo LHQ nói.
Kết thúc bài phát biểu, ông Guterres lưu ý: "Thật đáng khích lệ khi thấy khu vực tư nhân đang dẫn đầu, nhưng điều cần thiết là tạo áp lực lên các chính phủ để theo kịp và không bị bỏ lại phía sau".
Theo ông, nhiều chính sách và khuôn khổ pháp lý hiện nay tại các nước vẫn là một trở ngại cho sự tham gia của khu vực tư nhân, và điều này cần phải thay đổi.