Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WEF ASEAN 2018: Chính sách Trung Quốc+1 của doanh nghiệp Nhật có lợi cho Việt Nam

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã đề cập cách thức để ASEAN cũng như Việt Nam ứng phó với rủi ro tiềm tàng của căng thẳng thương mại Mỹ -Trung.

Chia sẻ trong phiên thảo luận "Xung đột thương mại: Vượt qua căng thẳng địa kinh tế" thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF ASEAN) 2018, ông Alan Bollard, Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC Singapore nhận định, mức độ căng thẳng thương mại toàn cầu rất khó dự liệu. “Cho tới nay 60 tỷ USD hàng hóa vào Mỹ đã bị áp 25% thuế và ngược lại, có đe dọa 200 tỷ USD thương mại khác sẽ bị nâng ngạch thuế tương tự. Bối cảnh có vẻ tiêu cực”, ông Alan Bollard nói.

WEF ASEAN 2018: Chính sách Trung Quốc+1 của doanh nghiệp Nhật có lợi cho Việt Nam - Ảnh 1

 Ông Yasuo Tanabe (giữa) Phó Chủ tịch cấp cao của tập đoàn Hitachi, Nhật Bản trong phiên thảo luận.
Trong khi đó, ông Yasuo Tanabe, Phó Chủ tịch cấp cao của tập đoàn Hitachi, Nhật Bản cho rằng những diễn biến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không phải điều mới.  
“Quay trở lại những năm 1970-1980, chúng tôi thường bị Mỹ gây áp lực thương mại và Nhật Bản đã tìm được cách đàm phán trong mọi lĩnh vực”, lãnh đạo tập đoàn Hitachi nói, đồng thời cho biết các giải pháp Nhật Bản áp dụng lúc bấy giờ là tình nguyện giảm kim ngạch xuất khẩu và gia tăng nhập khẩu.  
Trao đổi với báo Kinh tế&Đô thị, ông Tanabe cũng đề cập tới chính sách “Trung Quốc+1” mà doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng để tránh khỏi những rủi ro tiềm tàng từ căng thẳng thương mại. “Trong khoảng thập niên 2010, Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên chính trường. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu xem xét chuyển vốn đầu tư hoặc ngừng tăng đầu tư vào Trung Quốc, thay vào đó gia tăng hoạt động tại một quốc gia khác, có thể là một quốc gia ASEAN như Việt Nam.

Đó là kinh nghiệm của các tập đoàn xuyên quốc gia tại Nhật Bản, tuy nhiên trong thời gian tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa có đầu tư nước ngoài cũng có thể học hỏi chính sách này, ông Tanabe nói.  

Các chuyên gia cũng đề cập tới các phương thức để ASEAN vượt qua giai đoạn leo thang căng thẳng, bao gồm tăng cường đoàn kết và tích cực hội nhập kinh tế nội khối. Ông Ignatius Darell Leiking, Bộ trưởng Công thương Malaysia nhận định, các vấn đề thương mại toàn cầu xuất hiện là lúc để các nền kinh tế quan sát và hiệu chỉnh lại “Hãy hành động như một ASEAN thống nhất, tăng cường thương mại giữa các nước nội khối, xóa bỏ mọi rào cản. Đó là cách ASEAN tránh được những tác động của cuộc chiến thuế quan”, ông Leiking nói.
Bộ trưởng Leiking cảnh báo rằng không có thời gian để lãng phí - các nhà lãnh đạo ASEAN cần hiểu rằng một giải pháp từ nội tại là cần thiết, bất chấp sự khác biệt của các nền kinh tế trong khối. "Các nhà đàm phán ASEAN cần coi trọng sự thịnh vượng của chính những quốc gia láng giềng. Nếu tất cả các nước láng giềng cùng phát triển, giúp đỡ lẫn nhau, theo một cách bình đẳng", ông nói, " Vậy thì chúng ta sẽ ổn thôi".
Ngoài việc thúc đẩy ASEAN tăng cường thương mại nội khối để tự vệ khỏi sự xáo trộn toàn cầu, Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC Singapore- Alan Bollard nhận định, bối cảnh căng thẳng thương mại cũng có thể thúc đẩy các quốc gia giành vị trí dẫn đầu trong các hiệp định thương mại lớn, ví dụ như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khuyến khích những nước khác hành động tương tự
“Chúng ta đang trải qua một giai đoạn mà thế giới lưỡng cực trở nên ngày càng đa cực. Ai có thể nghĩ rằng Nhật Bản sẽ nắm quyền lãnh đạo TPP? Liệu Ấn Độ có thể làm điều tương tự trên với Hiệp định RCEP hay không? ”, ông Allan nói.