Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WEF: Việt Nam thăng hạng về môi trường thương mại toàn cầu

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo đánh giá Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là thị trường rộng mở cho thương mại quốc tế hơn Mỹ và châu Âu, trong đó Việt Nam đã có bước cải thiện đáng kể về môi trường kinh doanh.

Trong báo cáo nhan đề "Môi trường thương mại toàn cầu 2016", WEF hoan nghênh các nước ASEAN ngày càng hội nhập hơn vào kinh tế toàn cầu.
Theo WEF, điều này đã giúp các nước dễ dàng tiếp cận và đưa hàng hóa vào thị trường các nước ASEAN hơn so với các nước châu Âu và Mỹ.
Đặc biệt, WEF đánh giá trong những năm qua, môi trường thương mại của Việt Nam đã cải thiện đáng kể và tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng "Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016", lên vị trí 73/136 nền kinh tế được đánh giá.
Thành tích này nhờ những cải thiện trong khâu quản lý biên giới, hiệu quả hải quan tăng và giảm thời gian thủ tục cho hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Theo báo cáo, những thay đổi này phản ánh các nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam trong việc thanh giản thủ tục biên giới và giảm gánh nặng kiểm tra qua nhiều cơ quan khác nhau.
Tuy nhiên, WEF cũng chỉ ra rằng Việt Nam còn cả chặng đường dài phía trước để vươn tới các chuẩn mực quốc tế. Việt Nam được nhận xét là đã cải thiện sự tiếp cận của hàng hóa nước ngoài đối với thị trường nội địa.
Theo WEF, khả năng Việt Nam xâm nhập các thị trường nước ngoài cũng đã cải thiện, nhờ vào thuế quan giảm. Thành tích của Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng không đều, có cải thiện về cơ sở hạ tầng vận tải nhưng suy giảm về các dịch vụ vận tải.
Ngoài ra, Việt Nam đã nỗ lực hơn trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và nâng cao hiệu quả của các cơ quan nhà nước.
Vị trí đầu bảng xếp hạng trên thuộc về Singapore, trong khi Hong Kong (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ ba. Cũng theo báo cáo của WEF, môi trường thương mại tại các nền kinh tế tại Bắc và Tây Âu được đánh giá tốt nhất.
Báo cáo "Môi trường thương mại toàn cầu 2016" của WEF được thực hiện 2 năm một lần và là thước đo về khả năng tổng thể của 136 nền kinh tế trên thế giới trong việc tạo điều kiện cho lưu lượng hàng hóa ra vào biên giới, quản lý biên giới, cơ sở hạ tầng vận tải và kỹ thuật số, các dịch vụ vận tải, và môi trường vận hành.