WHO "bật đèn xanh" cho các nước tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge hôm 30/8 nói rằng, việc tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 là cách để "giữ an toàn cho những người dễ bị tổn thương".

Tiến sĩ Hans Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới. Ảnh: NBC News
Tuyên bố được đưa ra giữa bối cảnh được cho là "đáng quan ngại", khi tỷ lệ lây nhiễm tăng cao và sự chững lại của chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu. Trong khi Pfizer/BioNTech cho biết, liều vaccine Covid-19 thứ 3 của hãng có thể thúc đẩy số lượng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 nhiều gấp 3 lần so với liều thứ 2.

Ngày càng có nhiều quốc gia triển khai tiêm liều vaccine tăng cường cho người dân nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể Delta. Ngày 29/8, Israel đã bắt đầu triển khai liều vaccine tăng cường cho trẻ em dưới 12 tuổi. Hôm 30/8, chính quyền Cộng hòa Czech tuyên bố sẽ triển khai tiêm liều thứ 3 cho nhóm đối tượng đã từng tiêm mũi vaccine thứ 2 ít nhất 8 tháng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus hồi tuần trước nói rằng, hiện vẫn chưa có cơ sở cho dữ liệu về mũi tiêm thứ 3 - được cho là "không cần thiết". Ông và các quan chức WHO khác cũng liên tục khuyến cáo giới chức các nước giàu có nên tập trung vào việc cung cấp vaccine cho các quốc gia nghèo hơn, tránh làm gia tăng bất bình đẳng về vaccine.

"Liều vaccine Covid-19 thứ 3 không phải là liều vaccine xa xỉ tước đi cơ hội tiêm của những người đang đợi mũi tiêm đầu tiên. Về cơ bản, đó là một cách để giữ an toàn cho những người dễ bị tổn thương nhất" - tiến sĩ Hans Kluge nói hôm 30/8, nhưng cho biết vẫn cần thêm bằng chứng về mũi tiêm tăng cường này.
Ông Kluge cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu có lượng vaccine dư thừa nên chia sẻ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước ở khu vực Đông Âu và châu Phi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần