“Cuộc chiến này đã trở nên thách thức hơn với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở nhiều nước như Syria, Libya và Yemen”. Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO Ahmed al-Mandhari phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ Cairo, Ai Cập.
Theo ông Al-Mandhari, nhiều năm hỗn loạn và xung đột đã hủy hoại cơ sở hạ tầng y tế ở những nước này, khiến những người dân vốn đã chịu nhiều tổn thương dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm khi họ phải đương đầu với những khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản.
Ông al-Mandhari cũng lưu ý thêm rằng có một thách thức nghiêm trọng khác ở những quốc gia này đó chính là sự chia rẽ chính trị, vốn thường cản trở việc chia sẻ thông tin và gây khó khăn trong việc tiếp cận vì mục đích nhân đạo ở những nước này.
Ngoài ra, ông al-Mandhari cũng cảnh báo về tình trạng nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại một số quốc gia ở khu vực Trung Đông. Ông al-Mandhari cho rằng việc sớm dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội nhiều khả năng sẽ dẫn tới tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bật tăng trở lại một cách không thể kiểm soát nổi và xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai của các ca mắc Covid-19.
Liên Hợp quốc trong những năm gần đây đã tuyên bố Yemen rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với hàng triệu người bị suy dinh dưỡng.
Trước đó, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trong khu vực từng cảnh báo rằng sẽ xảy ra những thảm họa nhân đạo vô cùng nghiêm trọng nếu xung đột và dịch bệnh xảy ra cùng lúc ở Syria, Yemen hay Libya.
Hiện cả 3 quốc gia này, với hạ tầng y tế vừa yếu vừa thiếu, đều đã phát hiện các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, Yemen đã ghi nhận 1 ca nhiễm bệnh Covid-19. Syria, nơi đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài 9 năm tàn khốc, đã báo cáo 43 trường hợp mắc virus SARS-CoV-2. Libya, khu vực đang rơi vào cuộc bất ổn chính trị, đã ghi nhận 61 ca nhiễm bệnh Covid-19.