WHO hối thúc nối lại chuyến bay tới Tây Phi đối phó dịch Ebola

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các hãng hàng không nối lại hoạt động tại các nước bùng phát dịch Ebola ở khu vực Tây Phi là điều kiện "sống còn" nhằm ngăn chặn và đối phó dịch bệnh nguy hiểm này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra tuyên bố trên ngày 28/8 với cảnh báo rằng việc đình chỉ các chuyến bay đe dọa những nỗ lực dập dịch của cộng đồng quốc tế.

Phát biểu trước báo giới tại Geneva, Thuỵ Sĩ , người đứng đầu cơ quan các tình trạng khẩn cấp của WHO Bruce Aylward cho biết việc các hãng hàng không quốc tế ngừng các đường bay tới Tây Phi đã khiến các hoạt động cứu trợ bị gián đoạn, hàng hoá và các trang thiết bị y tế không thể tới được các điểm bùng phát dịch tại khu vực này.
Các bác sỹ tình nguyện điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola tại khu vực cách ly ở thị trấn Gueckedou, miền nam Guinea ngày 31/3.
Các bác sỹ tình nguyện điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola tại khu vực cách ly ở thị trấn Gueckedou, miền nam Guinea ngày 31/3.
WHO hy vọng các hãng hàng không sẽ nối lại hoạt động tại khu vực trong một vài tuần tới. Tuyên bố trên của WHO được đưa ra trong bối cảnh đã có hàng chục hãng hàng không trên thế giới tuyên bố tạm ngừng khai thác các đường bay tới các nước có dịch Ebola tại Tây Phi.

Mới đây nhất, ngày 27/8, hãng hàng không quốc gia Pháp Air France cho biết đã ngừng hoạt động bay tới Sierra Leone và Liberia, trong khi hãng British Airways (Anh) cũng kéo dài lệnh cấm bay tới hai quốc gia này tới năm 2015.

Hiện chỉ còn duy nhất hãng hàng không Hoàng gia Maroc (RAM) duy trì dịch vụ tại Liberia và Sierra Leone.

Trước đó, ngày 25/8, Liên hợp quốc đã cảnh báo việc các nước hạn chế hoạt động hàng không tới "tâm bão" Ebola có thể cản trở công tác đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này và khiến Tây Phi trở nên bị cô lập với thế giới.

Trong khi đó, các hãng dược phẩm lớn trên thế giới tiếp tục các nỗ lực nghiên cứu, điều chế và thử nghiệm các loại vắcxin mới ngừa Ebola.

Ngày 28/8, Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh cho biết hãng này đang xúc tiến đưa một loại vắcxin ngừa virus Ebola vào thử nghiệm trên người và dự kiến sẽ sản xuất 10.000 liều nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong trường hợp đạt kết quả khả quan.

Theo GSK, hãng này phối hợp với Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) sẽ tiến hành thử nghiệm vắcxin trên các tình nguyện viên tại Anh và Mỹ trong trung tuần tháng Chín tới và sẽ mở rộng chương trình tại Gambia và Mali.

Hãng dược phẩm lớn nhất của Anh cho biết giai đoạn 1 của dự án sẽ được khởi động ngay khi nhận được sự cho phép của các cơ quan y tế quốc tế. Ngoài ra, các nhà khoa học Mỹ cũng có kế hoạch thử nghiệm một loại vắcxin do tập đoàn NewLink Genetics của Canada điều chế nhằm kiểm tra độ an toàn và các phản ứng miễn dịch của cơ thể con người.

Dự kiến, các chương trình thử nghiệm sẽ kết thúc vào cuối năm nay và các loại vắcxin có thể được sản xuất đại trà.

Cho đến nay, y học thế giới vẫn chưa phát triển được loại vắcxin nào được chứng nhận có khả năng phòng ngừa virus Ebola. Hiện mới chỉ có loại huyết thanh thử nghiệm ZMapp do Mỹ sản xuất được WHO cấp phép sử dụng để điều trị bệnh dịch nguy hiểm này.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 2 trường hợp bệnh nhân người Mỹ được điều trị bằng ZMapp được xuất viện. Cũng trong ngày 28/8, Bộ Y tế Nigeria thông báo vừa ghi nhận thêm hai trường hợp nhiễm Ebola, trong đó có một ca tử vong, tại thành phố Port Harcourt ở Đông Nam nước này.

Theo bộ trên, ca tử vong là một bác sĩ từng điều trị cho một bệnh nhân đã có tiếp xúc với Patrick Sawyer, trường hợp tử vong đầu tiên do Ebola ở Nigeria hôm 25/7.

Đây là trường hợp tử vong đầu tiên được xác nhận bên ngoài thành phố Lagos, nâng số người thiệt mạng do virus Ebola tại quốc gia Tây Phi này lên con số 6 người.

Việc ghi nhận ca tử vong cách thành phố Lagos hơn 430km khiến giới chức Nigeria lo ngại virus chết người này đã phát tán sang các khu vực khác.

Hồi đầu tháng, Chính phủ Nigeria đã ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia đối với dịch Ebola, đồng thời cho biết sẽ giải ngân 11,6 triệu USD để ngăn chặn dịch lan rộng. Tính đến nay, dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.400 người các các nước Tây Phi và khoảng 2.600 người nhiễm bệnh.