Ngày 15/3 chứng kiến thêm loạt quốc gia đình chỉ việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển.
Đức và Pháp là các nước châu Âu mới nhất ra quyết định tạm dừng để chờ các đánh giá an toàn bổ sung từ cơ quan quản lý y tế của quốc gia cũng như Liên minh châu Âu (EU). Bên ngoài châu Âu, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên công bố kế hoạch kế hoạch tương tự.
Những lo ngại đã nổi lên sau khi Đan Mạch và Na Uy báo cáo các trường hợp xuất huyết, đông máu và hạ tiểu cầu sau khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Tuy nhiên, WHO ngày 15/3 khẳng định không có khả năng thay đổi các khuyến nghị mà cơ quan đã ban hành hồi tháng trước, về việc sử dụng rộng rãi chế phẩm của AstraZeneca, bao gồm cả ở các quốc gia đang lưu hành "biến thể Nam Phi" của virus SASR-CoV-2.
"Cho đến hôm nay (15/3), không có bằng chứng nào cho thấy các sự cố là do vaccinen gây ra, và điều quan trọng là các chiến dịch tiêm chủng vẫn cần tiếp tục để chúng ta có thể cứu sống và ngăn chặn dịch bệnh trầm trọng hơn", phát ngôn viên của WHO Christian Lindmeier nói, cho biết các xem xét bổ sung vẫn đang được tiến hành.
Cũng theo WHO, tính đến ngày 12/3, hơn 300 triệu liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới và không có trường hợp tử vong nào được phát hiện có liên quan đến chúng.
Vaccine của AstraZeneca là một trong những chế phẩm ngăn ngừa Covid-19 đầu tiên, và rẻ nhất, được phát triển và tung ra thị trường với số lượng lớn nhằm chống lại đại dịch đã giết chết hơn 2,7 triệu người. Vaccine này cũng được thiết lập để trở thành trụ cột của các chương trình tiêm chủng ở hầu hết các nước đang phát triển.