Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã chuyển hướng đại dịch Covid-19 vào một giai đoạn mới và có thể sẽ kết thúc tại châu Âu.
“Nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch đang đi đến hồi kết tại châu Âu,” hãng tin AFP dẫn lời giám đốc WHO Hans Kluge khi đề cập đến dự báo Omicron có thể lây nhiễm tới 60% người dân tại “lục địa già” vào thời điểm tháng 3.
Một khi làn sóng lây nhiễm Omicron tại châu Âu suy giảm, “sẽ là thời điểm xuất hiện miễn dịch toàn cầu trong khoảng thời gian vài tuần đến vài tháng, nhờ vào vaccine và những người đã xuất hiện miễn dịch sau khi nhiễm bệnh.”
“Chúng tôi dự báo sẽ có quãng thời gian khá bình lặng trước khi Covid-19 quay trở lại vào cuối năm, nhưng có lẽ sẽ không phải với quy mô một đại dịch,” ông Kluge nói.
Chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Trả lời phỏng vấn trên ABC News vào cuối tuần qua, ông Fauci nhận định số ca nhiễm tại nhiều nơi ở Mỹ “đang giảm nhanh chóng” và “tình hình đang tốt lên.”
Dù vẫn giữ thái độ thận trọng, ông Fauci cho rằng nếu xu hướng giảm ca nhiễm tiếp diễn tại những khu vực ở phía đông bắc Mỹ, “tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm chứng kiến xu hướng tương tự trên toàn nước Mỹ.”
Cuối tuần trước, Văn phòng WHO tại châu Phi công bố báo cáo ghi nhận số ca nhiễm đã giảm mạnh, trong khi con số ca tử vong lần đầu tiên suy giảm kể từ khi làn sóng thứ tư tại khu vực này với biến thể Omicron chiếm đa số đạt đỉnh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra biến thể Omicron, trong khi lây lan nhanh hơn Delta nhưng lại không gây ra các triệu chứng nặng ở những trường hợp đã tiêm vaccine, đã làm dấy lên hi vọng rằng Covid-19 đang dần chuyển hướng từ quy mô đại dịch tới một căn bệnh đặc hữu dễ kiểm soát hơn như cúm mùa.
Tuy nhiên, ông Kluge cho rằng vẫn còn quá sớm để dự báo một hồi kết cho Covid-19.
“Có nhiều tranh luận về sự chấm dứt của đại dịch, nhưng điều đó có nghĩa chúng ta có thể dự báo những gì sẽ xảy ra. Covid-19 đã khiến thế giới nhiều lần bất ngờ, do đó chúng ta phải rất cẩn trọng,” ông Kluge nói.
Ở thời điểm Omicron vẫn tiếp tục lan rộng, ông Kluge cảnh báo các biến thể khác vẫn có thể xuất hiện.
Hạn chế tối đa đứt gãy hoạt động thiết yếu
Ủy viên châu Âu về Thị trường nội bộ, ông Thierry Breton, trong tuyên bố vào chủ nhật tuần trước, cho biết các vaccine hiện tại có thể thích ứng với bất cứ biến thể nào xuất hiện trong tương lai.
“Chúng ta có khả năng thích ứng tốt hơn, bao gồm cả những biến thể mới”, ông nói trên kênh truyền hình Pháp LCI.
“Các vaccine, đặc biệt là vaccine mRNA, có thể được điều chỉnh để phù hợp với những biến thể nguy hiểm.”
Trong phạm vi nghiên cứu của Văn phòng WHO tại châu Âu, bao gồm 53 quốc gia, kể cả một số nước ở khu vực Trung Á, Omicron hiện chiếm 15% số ca nhiễm mới nếu tính tới ngày 18/1, so với 6,3% một tuần trước đó.
Omicron hiện là biến thể phổ biến trong số các nước tại Liên minh châu Âu (EU) và khu vực kinh tế châu Âu (EEA, gồm Na Uy, Iceland và Liechtenstein), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) nhận định.
Do số ca lây lan nhanh trên khắp châu Âu, ông Kluge nhấn mạnh ưu tiên hiện nay cần “hạn chế tối đa rủi ro dừng hoạt động tại các bệnh viện, trường học và nền kinh tế nói chung, đồng thời tập trung các nỗ lực nhằm bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao”, thay vì các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Trong bối cảnh đó, mỗi người cần nâng cao trách nhiệm cá nhân, ông nói.
“Nếu cảm thấy không khỏe, mỗi người hãy tự giác ở nhà và làm xét nghiệm. Nếu dương tính, bạn cần tự cách ly,” ông Kluge nói.
Đại diện WHO cho biết ưu tiên hiện tại là duy trì ổn định tình hình ở châu Âu, khu vực có mức độ tiêm chủng vaccine dao động từ 25-95% dân số, dẫn tới mức độ đối phó dịch ở các cấp độ khác nhau.
“Sự ổn định có nghĩa là các hệ thống y tế không còn đối mặt với sức ép quá tải do Covid-19 và có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, điều không may là đã bị ngắt quãng trong thời gian qua, đặc biệt là với các bệnh nhân bị ung thư, tim mạch.”