Chúc mừng năm mới

WHO thắt chặt chi tiêu khi Mỹ rút khỏi tổ chức

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí và xem xét lại các chương trình ưu tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi cơ quan này hôm 20/1.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Anadolu Agency
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Anadolu Agency

Ngày 24/1, Phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết, Mỹ dự kiến ​​sẽ chính thức rút khỏi WHO vào tháng 1/2026 sau khi cơ quan này nhận được một lá thư chính thức từ Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần này.

“Tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi hiện đã nhận được thư của Mỹ về việc rút khỏi WHO. Thư đề ngày 22/1/2025. Do đó, việc [Mỹ rút WHO] sẽ có hiệu lực sau 1 năm, vào ngày 22/2/2026” - ông Haq cho hay.

Ngay trong ngày đầu tiên quay lại Nhà Trắng hôm 20/1, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh Mỹ sẽ rút khỏi WHO trong vòng 12 tháng.

Ông Trump cũng đã ra lệnh cho Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và giám đốc Văn phòng quản lý và Ngân sách của chính phủ Mỹ tạm dừng việc chuyển giao trong tương lai bất kỳ khoản tiền, hỗ trợ hoặc nguồn lực nào của Chính phủ Mỹ cho WHO.

Chính quyền Washington cũng triệu hồi tất cả nhân viên chính phủ Mỹ làm việc với WHO và ra lệnh cho họ ngừng tham gia vào các cuộc đàm phán về một hiệp ước toàn cầu do WHO lãnh đạo nhằm giải quyết đại dịch.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump tìm cách rời khỏi WHO. Vào tháng 7/2020, ông đã cáo buộc tổ chức này sai lầm trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Dù vậy, tiến trình rút lui đã bị đảo ngược vào ngày nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, khi ông tuyên bố Mỹ sẽ quay trở lại tổ chức này.

Với việc ông Trump rút Mỹ khỏi WHO, cơ quan này sẽ mất đi nguồn tài trợ quan trọng nhất. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất, chiếm tới 18% tổng ngân sách của WHO. Ngân sách hai năm gần đây nhất của WHO, cho giai đoạn 2024-2025, là 6,8 tỷ USD.

Việc mất đi nguồn tài trợ lớn từ Mỹ đã buộc WHO phải triển khai các biện pháp tiết kiệm khẩn cấp như đóng băng việc tuyển dụng nhân sự, trừ các vị trí thiết yếu nhất và giảm mạnh chi phí đi lại.

Trong thư gửi đến nhân viên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo đóng băng việc tuyển dụng và cắt giảm các chuyến đi để ứng phó với việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi WHO.

"Như các bạn đã biết, Mỹ đã tuyên bố rằng họ có ý định rút khỏi WHO. Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định này và hy vọng chính quyền mới sẽ xem xét lại. Thông báo này khiến tình hình tài chính của chúng ta trở nên nghiêm trọng hơn và chúng ta biết rằng nó đã tạo ra mối lo ngại và sự bất ổn đáng kể cho lực lượng lao động của WHO” - ông Tedros cho biết.

Ông Tedros cũng yêu cầu tất cả các cuộc họp phải diễn ra hoàn toàn trực tuyến trừ khi có trường hợp ngoại lệ và các phái đoàn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia nên được “giới hạn ở những quốc gia thiết yếu nhất”.

Ngoài ra, WHO còn hạn chế việc thay mới thiết bị công nghệ thông tin, đàm phán lại các hợp đồng lớn và hoãn các dự án cải tạo văn phòng cũng như đầu tư không cần thiết, trừ khi phục vụ mục đích an ninh hoặc tiết kiệm chi phí.

Trước đó, hôm 21/1, WHO đã ra thông báo bày tỏ sự tiếc nuối trước việc Mỹ tuyên bố rút khỏi tổ chức này và nhấn mạnh rằng WHO "đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và an ninh của người dân trên toàn thế giới, bao gồm cả người dân Mỹ".

“Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ cân nhắc lại và chúng tôi mong muốn có cuộc đối thoại mang tính xây dựng nhằm duy trì quan hệ đối tác giữa Mỹ và WHO vì lợi ích sức khỏe và hạnh phúc của hàng triệu người trên toàn cầu” – tuyên bố của WHO nêu rõ.

Chuyên gia tư vấn y tế toàn cầu Fifa Rahman nói với tờ Politico rằng việc cắt giảm ngân sách là "một bàn phản lưới nhà lớn đối với một nước Mỹ ngày càng bị cô lập" và khiến nước này dễ bị tổn thương hơn trước các đợt bùng phát trong tương lai.

"Họ đã gặp phải những vấn đề lớn về thông tin sai lệch trong đại dịch Covid-19 trước và nếu không có WHO, họ sẽ cần rất nhiều may mắn trong đại dịch tiếp theo" – bà Rahman nhận định.