WHO: Xung đột quân sự Nga-Ukraine có thế khiến dịch Covid-19 tồi tệ hơn

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/3 cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine có thể làm trầm trọng thêm đại dịch Covid-19 và tổ chức này đang cố gắng làm nhiều hơn nữa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

WHO cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine sẽ khiến đại dịch Covid-19 tồi tệ hơn. Ảnh: CNN
WHO cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine sẽ khiến đại dịch Covid-19 tồi tệ hơn. Ảnh: CNN

Báo cáo của WHO cho thấy số ca nhiễm Covid-19 ở Ukraine đã giảm so với tuần trước, nhưng có nguy cơ số ca bệnh nặng và tử vong sẽ tăng do tỷ lệ tiêm chủng tại nước này thấp. Ngoài ra, hơn 2 triệu người dân Ukraine đã  đi lánh nạn tại các quốc gia láng giềng, những nơi cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo dữ liệu từ Our World In Data, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 của Ukraine là khoảng 34%, trong khi nước láng giềng Moldova là khoảng 29%.

Theo CNN, báo cáo của WHO công bố ngày 13/3 cho biết, tính từ ngày 3-9/3, Ukraine và các nước xung quanh ghi nhận tổng cộng 791.021 trường hợp nhiễm Covid-19 mới và 8.012 ca tử vong do đại dịch.

“Thật không may, loại virus này sẽ có cơ hội tiếp tục lây lan. Chúng tôi nhận thấy các nước đang ở trong những tình hình dịch bệnh rất khác nhau, và đang đối mặt với những thách thức khác nhau. Có rất nhiều người tị nạn di chuyển do cuộc xung đột tại Ukraine," Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, nói tại cuộc họp báo hôm 9/3.

Cùng ngày, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói rằng sẽ có đợt bùng phát dịch Covid-19 mới tại Ukraine. Ông Ryan cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng là do thiếu xét nghiệm, chiến dịch tiêm vaccine bị đình trệ, tình hình căng thẳng do chiến sự và tỷ lệ tiêm chủng vốn đã thấp.

Hungary đang cung cấp vaccine ngừa Covid-19 miễn phí cho những người tị nạn Ukraine, trong khi WHO cũng cung cấp hỗ trợ về xét nghiệm SARS-CoV-2. Bộ Y tế Romania đã cử các đoàn y tế đến xét nghiệm và tiêm vaccine Covid-19 cho những người Ukraine sơ tán khỏi đất nước. Slovakia điều trị Covid-19 miễn phí cho người tị nạn Ukraine. Tại Moldova, người dân Ukraine cũng được tiêm vaccine Covid-19 miễn phí.

Trong một tuyên bố chung với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), WHO kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ukraine.

Tuyên bố của WHO nhấn mạnh: “Các đối tác nhân đạo và nhân viên y tế phải có khả năng duy trì và tăng cường cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu một cách an toàn, bao gồm tiêm vaccine Covid-19 và vaccine ngừa bại liệt, đồng thời cung cấp thuốc điều trị cho người dân trên khắp Ukraine cũng như những người tị nạn sang các nước láng giềng”.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần