Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

World Bank kêu gọi trợ giúp y tế cho quần đảo Thái Bình Dương

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đảo Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới do tình trạng bệnh không lây nhiễm, và cần sự trợ giúp trên quy mô toàn khu vực, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga cho biết hôm thứ Năm (5/9).

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga gặp gỡ lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương ở Suva, Fiji, hôm 5/9. Ảnh: Kirsty Needham
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga gặp gỡ lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương ở Suva, Fiji, hôm 5/9. Ảnh: Kirsty Needham

Bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Fiji, ước tính cứ mỗi 8,5 giờ lại có một bệnh nhân phải cắt cụt chi..

Tuần trước, các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương đã nâng mức nghiêm trọng của tác động sức khỏe bởi các bệnh không lây nhiễm thành một trọng tâm của Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương, bao gồm 18 quốc gia thành viên, từ các đảo san hô xa xôi cho đến trung tâm khu vực như Fiji.

Phát biểu tại Fiji hôm thứ Năm (5/9), ông Banga cho biết một trong những chìa khóa để cải thiện dịch vụ sức khỏe cộng đồng là mở rộng quy mô cơ sở y tế lớn mạnh hơn.

“Do các đảo Thái Bình Dương có dân số nhỏ, tôi cho rằng việc xây dựng các hạ tầng y tế công ở quy mô lớn sẽ hỗ trợ được nhiều người dân trong cộng đồng hơn,” ông nói sau khi thăm một phòng khám y tế ở Nuffield tại Suva, nơi đang gặp tình trạng thiếu hụt nhân sự.

“Các đảo Thái Bình Dương, với tư cách là một cộng đồng đoàn kết, cần phải cùng nhau nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế hiện hữu.”

Ngân hàng Thế giới đã cam kết đến năm 2030 sẽ cung cấp các cơ sở chăm sóc sức khỏe cơ bản chất lượng cao hơn cho 1,5 tỷ người, mở rộng từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nữ giới và trẻ em sang đối phó với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm trong dân số trưởng thành.

“Một trong những điều chúng tôi muốn làm ở khu vực này là ưu tiên chăm sóc sức khỏe,” ông nói.

Sau đó, ông Banga đã gặp lãnh đạo của năm quốc đảo Thái Bình Dương và cho biết muốn tận dụng tiếng nói của họ để thúc đẩy các quốc gia giàu có tăng đóng góp cho quỹ giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới.

Các nước tài trợ bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Australia và Anh sẽ gặp nhau vào tháng 12 để cam kết nguồn tài trợ mới cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới.

“Chúng ta cần đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề này. Từ nay đến thời điểm diễn ra cuộc gặp gỡ, tiếng nói của các bạn sẽ rất quan trọng,” ông nói trong cuộc họp với hàng chục quốc gia Thái Bình Dương là thành viên nhận viện trợ từ IDA.

Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm thời gian phê duyệt trung bình cho các dự án từ 19 tháng xuống còn 16 tháng, đồng thời hướng tới mục tiêu thúc đẩy nhanh hơn nữa, ông cho biết. Để hoàn thành mục tiêu sớm hơn, ngân hàng sẽ tìm kiếm các dự án quy mô lớn.

“Chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian hơn nếu thực hiện được những dự án lớn và tập trung, thay vì nhiều dự án nhỏ một lúc,” ông nói trong cuộc họp.