Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã hội hóa cải tạo, xây mới chợ truyền thống: Vướng từ cơ chế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm hoạt động, hiện nhiều chợ truyền thống tại Hà Nội đã xuống cấp, không đảm bảo mỹ quan đô thị. Trước thực trạng này, các cấp, ngành của TP đã lên phương án cải tạo nâng cấp hệ thống chợ theo phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, phương án này hiện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do thiếu cơ chế thu hút, khuyến khích DN đầu tư xây dựng, cải tạo phát triển chợ truyền thống.

Dù đã có phương án xây dựng chợ mới nhưng hiện tại, chợ Ngã Tư Sở vẫn đang trong tình cảnh nhếch nhác, tạm bợ. Ảnh: Thanh Hải
Tiểu thương bỏ chợ, doanh nghiệp thua lỗ
Tại hội nghị “Sơ kết công tác quản lý chợ trên địa bàn Hà Nội và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019” tổ chức mới đây, nội dung được nhiều đại biểu đưa ra bàn luận đó là: Hà Nội còn thiếu cơ chế thu hút DN đầu tư cải tạo xây dựng chợ. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh nêu rõ: Hiện DN không mặn mà bỏ vốn đầu tư cải tạo, xây mới hệ thống chợ, nguyên nhân là do cách tính tiền thuê đất khi DN đầu tư, khai thác. Cụ thể đối với các chợ do UBND xã, huyện quản lý khai thác theo mô hình nhà nước không tính tiền thuê đất, nhưng chuyển sang mô hình DN phải tính tiền thuê đất vào giá thành đầu tư theo Luật DN, điều này làm vốn đầu tư tăng cao. “Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá thuê diện tích bán hàng tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm hợp tác xã quản lý khiến tiểu thương bỏ chợ, DN thua lỗ, nợ tiền thuê đất và trả lại dự án cho huyện Đông Anh” - ông Linh phân tích.
Hà Nội hiện có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 56 chợ hạng 2 và 352 chợ hạng 3, qua nhiều năm hoạt động nhiều chợ đã xuống cấp không đáp ứng được các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nói về nguyên nhân khiến DN thờ ơ tham gia đầu tư xây mới hệ thống chợ, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Đa phần các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng, cải tạo chợ đều có quy mô nhỏ, lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, đặc biệt, trong quá trình triển khai thường hay gặp phản ứng không đồng thuận của tiểu thương. Một số chợ mặc dù đã được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như chợ Châu Long, Xuân La... nhưng mô hình chợ không phù hợp với thói quen mua bán của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện, gây mất ổn định, trật tự xã hội nên DN không muốn đầu tư.

Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến xã hội hóa vốn đầu tư xây dựng chợ đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp thực tế. Mặt khác, một số sở, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về những lĩnh vực liên quan đến công tác đầu tư xây dựng, cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút DN tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ…

Không thể giữ mãi cơ chế bao cấp

Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, cơ sở hạ tầng chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội đã ở mức “báo động” nhưng để kêu gọi DN bỏ vốn đầu tư cải tạo, xây mới đòi hỏi cơ quan quản lý phải lấy DN làm động lực phát triển, không thể giữ cơ chế bao cấp mãi. Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên Nguyễn Ngọc Vĩnh đề xuất: Muốn xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ, cơ quan quản lý cần làm rõ nội dung số năm DN đầu tư được quản lý, khai thác chợ, đặc biệt rà soát quỹ đất để ưu tiên xây dựng các chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong kinh doanh, khai thác chợ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan kiến nghị: Bộ Tài chính có cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đầu tư xây dựng chợ… Đối với các DN, hợp tác xã đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác chợ, Bộ Công Thương có quy định rõ hơn đến quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh đối với từng trường hợp được giao hoặc cho thuê điểm kinh doanh. Trước mắt tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã thực hiện thu tiền thuê điểm kinh doanh tại chợ tương đương với mức thu áp dụng khi chợ đang do Nhà nước quản lý bảo đảm an sinh, xã hội. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội sớm phê duyệt danh mục các dự án chợ kêu gọi đầu tư và tổ chức mời thầu trên địa bàn TP năm 2019 đợt 1… đồng thời sửa đổi Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Việc cải tạo các chợ truyền thống đang là yêu cầu cấp thiết nhưng muốn xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ thì vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý Nhà nước là hết sức quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới rất cần UBND TP và các ngành liên quan như tài chính, công thương... xây dựng ngay cơ chế hỗ trợ DN trong quá trình đầu tư, khai thác hệ thống chợ, nếu không có cơ chế hỗ trợ thì khó có thể xã hội hóa vốn đầu tư.