Xã hội hóa đầu tư ngành nước: Còn nhiều thách thức

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư thêm nhiều nhà máy nước sạch để phục vụ nhu cầu người dân, tuy nhiên theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện vẫn còn khoảng 60% dân số nước ta chưa được tiếp cận được với nước sạch.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN đầu tư vào ngành nước, chiều 22/4, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề: "Xã hội hóa đầu tư ngành nước, cơ hội và thách thức".

Xã hội hóa đầu tư ngành nước: Còn nhiều thách thức - Ảnh 1
Các đại biểu tại buổi tọa đàm.

Dư địa lớn

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành nước của Chính phủ, nhiều DN, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và vận hành công trình cấp nước tại hầu hết các tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có nhiều nhà máy nước sạch do DN tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý. Tuy nhiên trên thực tế, DN tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam cho biết, hiện tỷ lệ cung cấp nước sạch tập trung khu vực đô thị đạt 89-90%; tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước hợp vệ sinh khoảng 88%. Tổng công suất xử lý nước thải là hơn 1.181.380 m3/ngày, tỷ lệ xử lý 14% trên tổng lượng nước thải 8 tỷ m3/năm... Sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, trong khi năng suất nước tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 12% so với chuẩn thể giới.

Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100%, ở khu vực nông thôn là 75%. Đây là cơ hội lớn cũng như dư địa lớn cho việc tăng trưởng của các DN ngành cấp nước.

Thời gian qua, các chính sách, chủ trương của Nhà nước cũng đã được đưa ra để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư vào ngành nước. Kể từ năm 2005, các công ty cấp nước đô thị đã được cổ phần hóa trên cả nước, hiện chỉ còn 10/111 công ty chưa được cổ phần hóa (9%).

Ngoài ra, có khoảng 100 công ty tư nhân đã được huy động vốn tại khu vực đô thị tại 63 tỉnh/thành và hàng trăm công ty tư nhân đầu tư vào cung cấp nước sạch khu vực nông thôn. Tuy nhiên, DN ngành nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi tọa đàm.
Hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút đầu tư
Để giải bài toán nâng tỷ lệ dân số được tiếp cận nước sạch theo mục tiêu đề ra, việc hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI, để giảm gánh nặng tài chính cho nhà nước cũng như nâng cao năng lực cung cấp nước sạch cho cộng đồng, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách về nước sách; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước theo phương thức xã hội hóa.
Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước. Đồng thời, cần rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.
Xã hội hóa đầu tư ngành nước: Còn nhiều thách thức - Ảnh 3
Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam thông tin tại tọa đàm.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho rằng, thứ nhất, cần công bố thông tin minh bạch về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương, cần hệ thống cơ sở dữ liệu cởi mở cho mọi nhà đầu tư và người dân có thể truy cập.

Thứ hai, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải. Thứ ba, cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, bình đẳng và minh bạch để tìm đúng nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kỹ thuật và quản lý, tránh tình trạng mua bán dự án lòng vòng. Thứ tư, tiếp tục thực hiện chính sách cổ phần hóa các công ty cấp thoát nước mà Nhà nước không cần nắm chi phối cổ phần. Thứ năm, cơ chế kiểm tra kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các DN cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội, đồng thời nêu cao đạo đức kinh doanh để hệ thống phát triển bền vững và người dân được sử dụng nước an toàn.

Còn theo Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp, vai trò quản lý Nhà nước đã được quy định rất rõ trong Nghị định 117 ban hành năm 2017. Vấn đề xã hội hoá đầu tư ngành nước đang nhận được sự quan tâm rất lớn. Xã hội hóa, nói nôm na là làm sao huy động được các nguồn lực ngoài nguồn lực của nhà nước để đầu tư phát triển; trong ngành nước có cả ngành cấp nước và thoát nước. Và để phát triển bền vững thì cả cấp nước và thoát nước phát trở thành cặp phạm trù.

Về mặt cấp nước, ông Điệp cho rằng chúng ta đã huy động lượng vốn lớn để thực hiện cấp nước, nhưng lượng xử lý nước thải mới chỉ chiếm khoảng 10%. Do đó, việc xã hội hoá làm sao để thu hút nguồn vốn xử lý nước thải cũng là bài toán rất lớn.

Thực tế cho thấy, sau khi cổ phần hóa DN nước sạch thì năng suất lao động cao lên, hiệu quả đầu tư cao hơn, lương tăng hơn, DN có nhiều cơ hội thực hiện các dự án cấp thoát nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít thách thức như: Nguồn vốn, mô hình thực hiện, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là thể chế. Nhà nước cần đưa ra được cơ chế thu hút nguồn vốn từ DN. Do đó, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, cần có sự tổng hợp đánh giá mô hình nào được và chưa được trong thực tế hiện nay của ngành nước, để từ đó lựa chọn được mô hình thích hợp cho cấp thoát nước ở Việt Nam.