Xã hội hóa đầu tư vào nước sạch nông thôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện có khá nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề với TP Hà Nội để tham gia đầu tư vào các dự án xây dựng trạm cung cấp nước sạch nông thôn.

Trong ngày làm việc thứ 2 (7/7) của Kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội khóa XIV, sau khi UBND TP báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 11 HĐND TP, các đại biểu đã thực hiện tái chất vấn về các vấn đề còn thắc mắc. Trong đó, phần về nước sạch được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi.

Mở đầu phiên tái chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thùy (Gia Lâm), đặt vấn đề về tiến độ thực hiện dự án cung cấp 40.000 thiết bị xử lý nước cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo tại các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm nặng và chưa đủ điều kiện xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung trước năm 2020 theo quy hoạch.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trả lời đại biểu, ông Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND TP cho biết từ năm 2012, TP đã phê duyệt dự án này, trong giai đoạn 2012 - 2013 đã cung cấp được 10.000 thiết bị nhưng tới giai đoạn 2014 - 2015 do không bố trí được vốn nên 30.000 bộ lọc còn lại vẫn chưa tới tay đối tượng cần cung cấp được. Với giá trị mỗi bộ lọc này là 4,5 triệu đồng, nhiều khả năng dự án sẽ được hoàn thành vào 2016 nếu TP bố trí được vốn.

UBND TP đã có chỉ đạo đầu tư xây dựng 6 trạm nước sạch liên xã cho 6 khu vực được xác định là ô nhiễm nặng và dự kiến đầu tư từ nguồn ngân sách TP. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua mới chỉ đầu tư được 45 tỷ đồng hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư còn nguồn vốn thì 2 năm vừa qua đều chưa bố trí được, ông Việt nói.

Tuy nhiên theo ông Trần Xuân Việt, đang có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới các dự án này, hiện đã có khoảng 3 - 4 doanh nghiệp đăng ký với TP để trực tiếp đầu tư vào các trạm nước sạch bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. TP hiện cũng đang đôn đốc các sở, ngành để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp có thể tham gia lĩnh vực này.

Để giải quyết 6 dự án này, TP đã thông báo tới doanh nghiệp. Có 3-4 doanh nghiệp lớn, cụ thể là Công ty Hanel đã có đăng ký với TP sẽ tiếp nhận 6 trạm này và để đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức quản lý vận hành. Chúng tôi đôn đốc Sở, ngành làm sao hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, với mỗi công trình nước sạch liên xã sẽ tiêu tốn khoảng 70 - 120 tỷ đồng, chính vì vậy việc xã hội hóa là rất cần thiết để giảm tải cho ngân sách TP. Tuy nhiên khi doanh nghiệp đầu tư vào vẫn còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là tỷ lệ dùng nước sạch ở nông thôn còn thấp, người dân vẫn phụ thuộc vào nước từ tự nhiên như giếng khoan, nước mưa ... Ngoài ra, ông Việt cũng cho rằng TP cần hỗ trợ ứng trước 1 phần về vốn đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

Còn đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) đưa ra vấn đề theo Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010, tính đến hết năm 2015, TP phải hoàn thành 40% tỷ lệ dân cư nông thôn được thụ hưởng nước sạch. Vậy TP có hoàn thành được mục tiêu này không?

Ông Trần Xuân Việt cho biết, tính tới hết năm 2014 tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là 36,68%, chính vì vậy mục tiêu 40% là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Cũng theo ông Việt, hiện tại TP đang có 106 trạm cấp nước sạch nông thôn trong đó có 81 trạm đang hoạt động đủ khả năng cung cấp nước ổn định cho khoảng 300.000 người. Trong đó có 15 trạm đang giao cho doanh nghiệp tiếp cận, còn 25 trạm còn lại có 10 trạm xuống cấp không thể cung cấp được nữa, 11 trạm đầu trạm đầu tư từ lâu mặc dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng các trạm này đã đấu nối được với khu vực nước sạch đô thị còn 4 trạm còn lại đang trong quá trình xây dựng.

Về các công trình nước sạch, ông Việt chia sẻ rằng Ngân hàng Thế giới đã cho Việt Nam vay 100 triệu USD để thực hiện dự án tại 8 tỉnh, TP, trong đó Hà Nội được bố trí 31 triệu USD. Số tiền này sẽ được đầu tư vào 7 dự án, trong đó có 3 dự án tại Mỹ Đức, Thạch Thất và Phúc Thọ đã khởi công, dự kiến hết tới hết 2015 sẽ cấp nước được cho 3 khu vực này. Và TP cũng đã có kế hoạch phân bổ vốn đối ứng để thực hiện các dự án còn lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần