Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái từng khẳng định cổ phần hóa là chủ trương đúng nhằm “gỡ rối” cho những đơn vị nghệ thuật lâu nay sống dựa vào “bầu sữa” bao cấp và đang phải gánh số nợ lớn. Chính vì vậy, theo lộ trình, sau khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, 3 DN Nhà nước khác về điện ảnh (trừ Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư là DN đặc thù) cũng sẽ cổ phần theo lộ trình. Hãng phim truyện I được cổ phần hóa từ năm 2013, lúc đầu Nhà nước giữ 40% cổ phần, 60% còn lại được bán ra ngoài, nhưng do không bán hết nên cuối cùng Nhà nước phải nhận thêm 20%. Với Hãng phim Giải phóng, Nhà nước cũng nắm giữ 40% cổ phần, số còn lại được bán ra nhưng không ai mua nên Nhà nước lại phải đứng ra “ôm” thêm – tổng số lên đến gần 90%. Hãng phim hoạt hình Việt Nam, đơn vị điện ảnh có tính đặc thù riêng nên Nhà nước chủ trương giữ hơn 51% cổ phần.
|
Phần đất của Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4, phố Thụy Khuê, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Nhìn vào bức tranh cổ phần hóa của các DN điện ảnh có thể thấy chưa có gì sáng sủa. Hãng phim truyện Việt Nam khả quan nhất là tìm được nhà đầu tư chiến lược mua 65% cổ phần, nhưng nghệ sĩ không khỏi cay đắng vì thương hiệu điện ảnh 60 năm của Việt Nam với hơn 300 bộ phim, đã có nhiều bộ phim trở thành kinh điển bị định giá 0 đồng. Gần một năm trở thành cổ đông lớn, Công ty Vận tải Thủy chỉ lo dọn dẹp sân nhà, làm thất thoát đạo cụ, chậm và trả lương thấp cho nghệ sĩ.
Nhìn sang các Hãng phim khác, cũng chưa có một tương lai tươi sáng nào từ khi cổ phần hóa. Phim hoạt hình, phim điện ảnh đều thụt lùi. Những bộ phim ăn khách đều do điện ảnh tư nhân thực hiện. Phim nghệ thuật được đầu tư lớn, nhưng không ai xem. Nghệ sĩ và công chúng chỉ lo điện ảnh mất thương hiệu, những mảnh đất ở khu vực trung tâm của Thủ đô do các đơn vị này sở hữu qua thời gian sẽ không dành cho điện ảnh mà để nhà đầu tư chiến lược xây chung cư, hay xây trung tâm thương mại. Rất may sự vào cuộc kịp thời của nghệ sĩ thấu đến Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Sau chuyến thị sát thực tế, làm việc với các bên liên quan, Phó Thủ tướng đã làm ấm lòng người yêu điện ảnh bằng kết luận cho rà soát lại quá trình cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam. Khu đất “vàng” do UBND TP Hà Nội quản lý, nhà đầu tư không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng ngoài việc làm phim. Tuy nhiên, ngành điện ảnh không thể mãi ngồi giữ đất mà không làm gì, cổ phần hóa là lẽ tất yếu dù đó là con đường không êm ả.
Không thiếu những thành côngKhông chỉ chủ trương cổ phần hóa điện ảnh, từ lâu, Bộ VHTT&DL đã bắt đầu thực hiện tự chủ tài chính 12 nhà hát thuộc Bộ. Bên cạnh những nhà hát gặp khó, thì không thiếu những đơn vị sống khỏe khi không còn nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, tiền thân là Nhà hát Ca Múa Nhạc nhẹ Việt Nam đã có 8 năm tự chủ. NSND Trần Bình – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cho biết, những năm đầu nhà hát cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng sau đó bằng sự năng động, nhà hát đã dàn dựng được nhiều chương trình bán vé tốt và trở thành thương hiệu như Hoa cúc vàng. Nghệ sĩ biểu diễn có mức thu nhập từ 14 – 16 triệu đồng/tháng. Hoặc Nhà hát Múa rối Thăng Long - đơn vị nghệ thuật duy nhất của Hà Nội thực hiện tự chủ hoàn toàn, không chỉ tạo ra nguồn thu tốt cho nghệ sĩ mà còn trở thành đơn vị đạt kỷ lục châu Á, có số lượng suất chiếu cao nhất, sáng đèn 365 ngày/năm.
Câu chuyện các đơn vị điện ảnh Nhà nước nói riêng tiến hành cổ phần hóa để tự cứu mình hay xã hội hóa hoạt động nghệ thuật nói chung, suy cho cùng đều liên quan tới “cơm áo” của nghệ sĩ trong bối cảnh không còn “bầu sữa” bao cấp. Khán giả thời nay không còn thụ động thưởng thức nghệ thuật, kiểu cho gì xem nấy. Chính vì vậy, nghệ sĩ muốn sản phẩm của mình đến được với công chúng để có số thu thì cần phải năng động, tự thoát khỏi cái “bóng” hào quang nay đã không còn tỏa sáng vô điều kiện.