70 năm giải phóng Thủ đô

Xã hội hóa sân khấu chưa đều tay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết thiếu nhi 1/6 là một trong những mùa rôm rả của sân khấu Thủ đô - thời điểm mà không ít chương trình nghệ thuật xã hội hóa vào vụ.

Dẫu vậy, trong cuộc chạy đua làm chương trình này, người trong giới vẫn ngậm ngùi vì xã hội hóa chưa đều tay nên ngoài các "mùa vụ" trong năm, sân khấu vẫn trong cảnh… tắt đèn.

Vẫn mang tính thời vụ

Thời điểm này, nhiều chương trình nghệ thuật "đón đầu" 1/6 đã được quảng bá rầm rộ với  sự đầu tư lớn cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Có thể kể đến: "Nụ cười thiên thần" tại Nhà hát Lớn Hà Nội; "Bí mật chuyện kể" tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ; "Câu chuyện thiên nga" tại Rạp Công nhân; "Cười tặng bé" tại Cung thiếu nhi Hà Nội; những màn ảo thuật của Nhà hát Tuổi trẻ như: "Người bay trong không gian", "Vẽ người thật từ tranh", "Đi xuyên qua cơ thể người"… Tất cả hứa hẹn mang đến những điều thú vị cho các "thượng đế nhí" và giúp nhà tổ chức "hốt bạc". Vậy nhưng, sau "mùa vàng" này, hẳn giới làm nghề lại trở về với nỗi buồn của những tháng ngày sàn diễn ở trạng thái… tắt đèn.

 
Một tiết mục dành cho trẻ em của Nhà hát Tuổi trẻ. Thanh Hằng
Một tiết mục dành cho trẻ em của Nhà hát Tuổi trẻ. Thanh Hằng
Thực tế cho thấy, vì không xã hội hóa được, nên không ít điểm biểu diễn phải đóng cửa. Chẳng nói đâu xa, mới đây "điểm hẹn" hài kịch do NSƯT Chí Trung "đăng cai" tại rạp Thanh niên (37 Trần Bình Trọng) đã phải tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân là bởi công chúng đến với mỗi đêm diễn quá ít, số tiền bán vé không đủ chi thuê sân khấu, luyện tập. CLB nghệ thuật Sao Việt cũng thất bại khi xã hội hóa sân khấu bằng vở kịch kinh dị "Quỷ ám" với giá vé từ 150.000 - 300.000 đồng/vé. Vở kịch chỉ duy trì được vài buổi diễn vì không đủ tiền trả cát sê cho các nghệ sĩ và thuê rạp biểu diễn định kỳ. Nguyên nhân chính mà người ta chỉ ra là do thói quen xem "chùa". Ngoài ra, lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ - một trong những đơn vị giỏi làm sân khấu xã hội hóa than rằng, xã hội hóa sân khấu gặp khó vì tư duy bao cấp. "Nếu các nghệ sĩ không có tư tưởng đồng cam cộng khổ, khi thấy khó khăn hoặc nguy cơ thất bại, bỏ đi đóng phim hay ngồi chơi hưởng lương bao cấp thì khó mà hiện thực giấc mơ xã hội hóa" - NSƯT Chí Trung - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bày tỏ.

Nhiều nghệ sĩ còn cho rằng, dù rất yêu sân khấu, nhưng họ không thể thành lập một đơn vị sân khấu xã hội hóa như CLB Nghệ thuật Sao Việt. Vì các đơn vị nghệ thuật Nhà nước có lực lượng hùng hậu, có rạp biểu diễn còn ít khi "đỏ đèn" thì tư nhân chỉ dám làm đơn lẻ các chương trình xã hội hóa theo thời vụ.

Quan trọng là quảng bá

Giáo sư Hoàng Chương cho rằng: "Nguyên nhân khác khiến các sân khấu chưa thể xã hội hóa là vì dù có nội dung hấp dẫn nhưng không làm tốt công tác quảng bá. Cứ thụ động ngồi chờ khán giả đến thì thật khó, bởi, không quảng bá chương trình thì nhiều người muốn xem không biết mà đến. Tôi cho rằng, hơn bao giờ hết, những người làm sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống phải nỗ lực giành giật từng khán giả về mình chứ đừng thụ động. Các nhà hát hãy tận dụng hệ thống âm thanh của mình, mở những chương trình đặc sắc, hấp dẫn để người đi đường chú ý đi xem".

Trong khi đó, cách làm xã hội hóa của Nhà hát Tuổi trẻ là phối hợp với các tổ chức như Hiệp hội Sân khấu giáo dục Philippines, các Đại sứ quán Nhật Bản, Pháp, Mỹ… hay thu hút các dự án văn hóa của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp để tổ chức chương trình. Để làm được điều đó, Nhà hát Tuổi trẻ đã xây dựng nhiều vở kịch hấp dẫn như "Mùa hạ cuối cùng", sau đó tiếp thị các tác phẩm này. NSƯT Chí Trung khẳng định: "Trong cơ chế thị trường, muốn xã hội hóa sân khấu thành công thì phải tạo ra sản phẩm chất lượng, gây dựng và quảng bá thương hiệu đến nhiều địa phương, đơn vị. Việc vận động, nhờ các nghệ sĩ có tên tuổi, được khán giả yêu thích đi tiếp thị tác phẩm sẽ đạt hiệu quả cao". Những người trong cuộc cho rằng, khi khâu quảng bá hiệu quả thì việc xã hội hóa sân khấu sẽ khác.