Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã hội hóa văn hóa, nghệ thuật: Được ít, mất nhiều

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 21 năm thực hiện, chủ trương xã hội hóa (XHH) hoạt động văn hóa, nghệ thuật (VHNT) đã bộc lộ nhiều bất cập.

Trong đó, nổi bật là sự thiếu thống nhất trong cách nhận thức của mỗi đơn vị dẫn đến việc triển khai thiếu đồng bộ, nhiều loại hình VHNT đi chệch hướng, bị thương mại hóa và “lai căng” hóa.
Tư nhân loay hoay xã hội hóa

Ngày 19/12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư tổ chức Hội thảo “Nhìn lại quá trình XHH các hoạt động VHNT ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”. Tại hội thảo, hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực VHNT đã đánh giá cao chủ trương XHH. Sau 21 năm thực hiện, hoạt động VHNT đã có những thay đổi khá toàn diện, từ phương thức tổ chức đến đầu tư, sáng tạo, thẩm định, đánh giá, phát hành và quảng bá sản phẩm.
 Một buổi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện XHH hoạt động VHNT. Đó là mỗi nơi nhận thức một kiểu, rồi cách làm, phương thức hoạt động còn mang tính tùy tiện. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế quản lý thiếu đồng bộ, cụ thể và chưa phù hợp. Theo nhiều đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Nhà nước có xu hướng thả nổi, để mặc tư nhân tự lo, tự xoay xở khi thực hiện chủ trương XHH.

Nhìn nhận dưới góc độ thực tế, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ, từ ngày có chủ trương XHH các hoạt động điện ảnh, việc nhập phim như được cởi trói, nở rộ chưa từng có. Công ty sản xuất phim tư nhân có quyền được nhập phim nước ngoài, không hạn chế số lượng. Những phim nhập về đa số là phim bạo lực hoặc tình cảm ủy mị. Không ai kiểm soát nổi khi số lượng phim nhập đến hàng trăm phim mỗi năm. Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, Việt Nam cần có biện pháp hạn chế, ngăn chặn luồng phim độc hại ảnh hưởng nền tảng đạo đức xã hội.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội, sân khấu cách mạng Việt Nam vốn được sinh ra, lớn lên bằng "bầu sữa mẹ bao cấp” nên bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế với tinh thần tự chủ đã trở nên bế tắc trong sáng tạo và sinh ra tình trạng “nhiều vở yếu, thiếu vở hay”, loay hoay mãi khán giả không đến. Trong bối cảnh chưa kịp thích ứng ấy, sân khấu bị XHH nên càng khủng hoảng trầm trọng. Rõ ràng, định hướng XHH, tự chủ chưa phù hợp với thời điểm này của sân khấu.

Tiếng chuông cảnh tỉnh

Nghị quyết 90-CP năm 1997 về phương hướng chủ trương XHH các hoạt động giáo dục, y tế văn hóa của Chính phủ đã nói rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị. Nghị quyết ra đời được khẳng định là rất đúng và trúng, nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân và tăng cường vai trò của các hội, đặc biệt là Hội VHNT. Trong đó có một ý rất quan trọng: Dù tiến hành XHH hoạt động VHNT nhưng Nhà nước không buông và vẫn nắm vai trò chủ đạo.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, giữa mục tiêu, định hướng và quá trình thực hiện XHH vẫn còn một số bất cập. Phó Thủ tướng chỉ rõ sự phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể trong việc triển khai chủ trương XHH không phải lúc nào cũng tốt. Bao trùm hơn hết là chúng ta không thoát được khỏi những hạn chế của các nước đang phát triển, mục tiêu tăng trưởng kinh tế lấn át, không chú ý đến văn hóa, xã hội. Lĩnh vực văn hóa, xã hội nói chung, đặc biệt là văn học nghệ thuật trong ngắn hạn không tạo ra giá trị kinh tế mà về lâu dài mới gián tiếp tạo ra giá trị kinh tế.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong nhiều vấn đề còn tồn tại của XHH VHNT, bao trùm lên tất cả là nhận thức của các nhà quản lý, của những người làm công tác văn hóa còn chưa đúng, đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Thực trạng về suy thoái đạo đức, về các hiện tượng đáng báo động trong xã hội có một phần do buông lỏng quản lý văn hóa. Do vậy, hội thảo lần này đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh hướng về các hoạt động VHNT được XHH.