Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã hội hóa y tế ở Quảng Ngãi vẫn “nghẽn”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chưa có quy hoạch và gặp vướng về pháp lý được cho là hai trong soos những nguyên nhân chính khiến xã hội hóa y tế ở Quảng Ngãi chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Dự án nghìn tỷ đi vào ngõ cụt

Tháng 6/2017, Khu dịch vụ chất lượng cao - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi được khởi công. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Quốc tế tỉnh Quảng Ngãi.

Vị trí triển khai dự án Khu dịch vụ chất lượng cao - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
Vị trí triển khai dự án Khu dịch vụ chất lượng cao - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

Doanh nghiệp trên được thành lập dựa trên liên doanh liên kết giữa Công ty cổ phần Medika Investment Việt Nam và Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. 

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 9/2018, với với quy mô 500 giường bệnh, 40 phòng khám, 8 phòng mổ chất lượng quốc tế, đạt tiêu chí bệnh viện hạng I, diện tích dự kiến 11.000m2 nằm trong khuôn viên BVĐK tỉnh, tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động 49 năm.

Để thúc đẩy dự án hoàn thành, tỉnh Quảng Ngãi 3 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, với thời gian hoàn thành kéo dài đến tháng 6/2021. Dù vậy, mãi đến năm 2023, dự án vẫn “đắp chiếu”, gây lãng phí đất vàng.

Đáng nói, sau khi thanh tra tỉnh Quảng Ngãi vào cuộc, dự án này đã “lộ” ra hàng loạt sai phạm. Theo đó, diện tích sử dụng thực hiện dự án 1,1ha, thuộc cơ sở nhà, đất do Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang quản lý là công sản.

Thế nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi lại tham mưu cho UBND tỉnh này ký quyết định cho thuê đất. Sở Tài chính, tham mưu xử lý tài sản trên đất và cơ sở hạ tầng khi chưa xem xét đầy đủ các quy định hiện hành. Sự thiếu sót trên dẫn đến việc xử lý tài sản, đất đai không đúng theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi không thực hiện xử lý các tài sản trên đất, dẫn đến các tài sản này bị di dời, phá hủy khi thi công với giá trị gần 458 triệu đồng, đến nay chưa được chủ đầu tư bồi thường, có nguy cơ thất thoát tiền ngân sách Nhà nước.

Trách nhiệm này thuộc về Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Medika Investment Việt Nam. Còn sở Y tế chịu trách nhiệm trong việc quản lý Nhà nước liên quan đến dự án… 

Sau khi có kết luận của thanh tra tỉnh, ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, hướng dẫn nhà đầu tư làm thủ tục tự nguyện trả lại đất, chấm dứt dự án để tham mưu các thủ tục thu hồi và giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tài sản công trên đất cho tổ chức, cá nhân thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.

Nhiều vướng mắc

Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng ngãi chỉ là một điển hình trong số các dự án y tế ở tỉnh này lâm vào cảnh “bế tắc”. Thực tế, thời gian qua, có nhiều dự án trong lĩnh vực này Quảng Ngãi được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng quá trình thực hiện lại gặp vướng mắc và buộc phải chấm dứt hoạt động.

Theo đại diện Sở Kế hoạch- Đầu tư Quảng Ngãi, tính riêng trong 5 năm trở lại đây (2018 – 2023), UBND tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án đầu tư vào lĩnh vực y tế, gồm: Bệnh viện đa khoa Thiên Phúc tại phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ); Bệnh viện đa khoa Thái Bình Dương – Quảng Ngãi tại phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi); Bệnh viện Bình An Châu Ô tại thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án gặp vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, về thủ tục giao đất, cho thuê đất (như đất công, đấu thầu dự án xã hội hóa) nên nhà đầu tư không thể thực hiện dự án theo chủ trương đầu tư được duyệt.

Đến nay, nhà đầu tư của 3 dự án đã có quyết định chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng ban hành các Quyết định bãi bỏ hiệu lực pháp lý của các chủ trương đầu tư dự án.

Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Quảng Ngãi ngày càng tăng.
Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Quảng Ngãi ngày càng tăng.

Trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, việc các dự án y tế quy mô lớn “lỡ hẹn” trở thành một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân Quảng Ngãi đi các tỉnh khác để điều trị, dẫn đến các hệ lụy không mong muốn.

Ông Đặng Văn Minh- Chủ tịch UBND Quảng Ngãi thừa nhận, thời gian qua, Quảng Ngãi là một trong những địa phương yếu nhất về xã hội hóa y tế.

Ông Minh cho rằng, các dự án đầu tư vào y tế trước kia đều chậm tiến độ và gặp khó khăn do tỉnh chưa có quy hoạch đất cho lĩnh vực này, khi cấp quyết định chủ trương lại không đúng quy định. Do đó, buộc phải chấm dứt và lựa chọn nhà đầu tư.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi nhà đầu tư, thực hiện các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để chia sẻ gánh nặng cho bệnh viện công lập và đáp ứng nhu cầu khám, điều trị chất lượng cao của người dân”- ông Minh nói.