Xã Minh Khai, huyện Hoài Đức: Gắn sản xuất sạch với bảo vệ môi trường

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ làng nghề chuyên sản xuất tinh bột, những năm 1980, người dân Minh Khai bắt đầu phát triển nghề mới là chế biến bún phở khô từ gạo tẻ.

Đến năm 1990, xuất hiện thêm nghề tách vỏ đỗ xanh. Và cách đây hơn 10 năm, nhiều hộ trên địa bàn bắt tay vào sản xuất bánh kẹo. 

Nghề chế biến nông sản thực phẩm truyền thống ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức giúp mang lại thu nhập tương đối ổn định cho nhiều người dân.

Đến nay, toàn xã có gần 600 hộ sản xuất kinh doanh đa dạng các loại sản phẩm như bún phở khô, tinh bột sắn, tinh bột dong giềng, tách vỏ đỗ xanh, sản xuất bánh kẹo… Trong đó, miến dong và bún phở khô là những sản phẩm chính của làng nghề  Minh Khai. từ việc các công đoạn chế biến nông sản thực phẩm chủ yếu sử dụng sức người, thì nay việc sản xuất đã phần nhiều được cơ giới hóa. Chất lượng nông sản cũng ngày một  nâng cao. Sự phát triển của làng nghề giúp mang tới thu nhập tương đối ổn định, nâng cao đời sống cho không chỉ người dân xã Minh Khai,  mà còn cho hàng ngàn lao động một số xã thuộc huyện Hoài Đức và các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
Trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, việc sản xuất miến dong, bún phở khô theo phương thức truyền thống được dự báo sẽ đứng trước sự cạnh tranh ngày một lớn. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết là cần xây dựng được những thương hiệu nông sản đặc trưng. Ông Nguyễn Chí Đức - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Khai cho biết, đến cuối năm 2016, số hộ tham gia sản xuất chế biến nông sản thực phẩm lên tới hàng trăm, nhưng số cơ sở đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Đây sẽ là thách thức lớn để nông sản địa phương chiếm lĩnh thị trường, có được lòng tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh mức độ cạnh tranh ngày một lớn, quá trình phát triển làng nghề cũng đặt ra nhiều vấn đề về vệ sinh ATTP và ô nhiễm môi trường. Theo ông Đỗ Xuân Đáng - Chủ tịch UBND xã Minh Khai, chất lượng vệ sinh ATTP phụ thuộc nhiều vào điều kiện sản xuất. Do đó, nhu cầu đổi mới công nghệ, trang thiết bị phục vụ sản xuất là rất cấp thiết. “Hiện, địa phương đang tiếp tục mời gọi các tổ chức, DN về “cùng ăn, cùng ngủ” để tìm ra dây chuyền chế biến miến, bún phở khô theo hướng sạch hơn” - ông Đáng cho hay.
Về bài toán môi trường làng nghề, ông Đáng thông tin: UBND TP Hà Nội rất quan tâm tới sự phát triển của cụm làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm thuộc ba xã: Minh Khai, Dương Liễu và Cát Quế. Theo đó, Nhà máy xử lý nước thải cho cụm công nghiệp làng nghề nêu trên đã được TP bố trí nguồn vốn triển khai từ năm 2016 và hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Địa phương mong muốn các đơn vị liên quan tích cực giám sát, đôn đốc việc thực hiện để công trình sớm được hoàn thành, tiến tới giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường cho cụm làng nghề nơi đây.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần