Xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh): Yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc triển khai dự án đầu tư công

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm hiện tại, UBND xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh (Hà Nội) yêu cầu đơn vị giám sát và nhà thầu thi công gấp rút hoàn thiện; đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ việc triển khai một số dự án đầu tư công tại địa bàn xã, đảm bảo chất lượng thi công các công trình.

Theo phản ánh từ đơn thư của bạn đọc về việc UBND xã Xuân Nộn được UBND huyện Đông Anh cho phép làm chủ đầu tư một số dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, kè ao, trồng cây xanh nông thôn từ nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có dấu hiệu không minh bạch giữa nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư, khi một nhà thầu trúng nhiều dự án.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trực tiếp đi khảo sát các công trình và làm việc với đại diện lãnh đạo UBND xã Xuân Nộn.
Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn Tạ Đức Minh - đại diện chủ đầu tư (thứ hai, hàng ghế bên phải) họp với đại diện đơn vị giám sát và nhà thầu các dự án yêu cầu thực hiện nghiêm việc giám sát thi công, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn Tạ Đức Minh cho biết, về thông tin phản ánh một nhà thầu trúng nhiều dự án trên địa bàn xã là đúng. Cụ thể, thời điểm hiện tại xã đang tổ chức 2 gói thầu xây lắp công trình, gồm: Cải tạo, chỉnh trang ao trước làng, thôn Đường Nhạn; Cải tạo, mở rộng đường và rãnh thoát nước từ nhà văn hóa thôn Đường Nhạn đến trường Tiểu học Xuân Nộn, do UBND xã làm chủ đầu tư, loại cấp công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV.
Các dự án này sau khi được HĐND xã Xuân Nộn chấp thuận chủ trương đầu tư. UBND xã đã có văn bản báo cáo UBND huyện Đông Anh, Phòng Quản lý đô thị là đơn vị được UBND huyện giao nhiệm vụ thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, cơ cấu tổng dự toán công trình.
Căn cứ theo Văn bản số 611/QLĐT-GT3 ngày 8/4/2021 và số 730/QLĐT-GT3 ngày 21/4/2021 của Phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh về kết quả thẩm định dự án nêu trên, UBND xã Xuân Nộn đã tổ chức mời thầu rộng rãi trên cổng thông tin đấu thầu quốc gia; đồng thời thuê một đơn vị độc lập là Công ty TNHH Xây dựng và Nội thất Sông Hồng, tổ chức thẩm định E-HSDT, tiêu chuẩn đánh giá E-HSDT đối với các dự án.
Quá trình lập hồ sơ thiết kế không tổ chức khảo sát địa chất công trình, nên nhà thầu đã buộc phải xin thay đổi một số hạng mục thi công.
“Trên cơ sở văn bản báo cáo thẩm định nhà thầu của đơn vị thẩm định độc lập, UBND xã Xuân Nộn đã có văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty CP Xây dựng Minh Anh là nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp do UBND xã làm chủ đầu tư” - ông Tạ Đức Minh cho hay.
Cũng theo đại diện UBND xã Xuân Nộn, theo kế hoạch đơn vị trúng thầu phải triển khai thi công từ tháng 7/2021, nhưng thời gian này TP Hà Nội phải thực hiện lệnh giãn cách toàn xã hội do đại dịch Covid-19, nên đến cuối tháng 9 mới bắt tay vào thực hiện.
Trong quá trình thi công, một số hạng mục không thể thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế. Cụ thể: Hồ sơ thiết kế yêu cầu đóng cọc tre gia cố móng L = 2m, mật độ 25 cọc/m2, nhưng quá kiểm tra thi công thực tế, khi đào đất móng kè đến độ cao thiết kế gặp phải nền đất sét cứng, quá trình lập hồ sơ thiết kế không tổ chức khảo sát địa chất công trình, dẫn đến khi nhà thầu tổ chức ép cọc tre không thể đóng hết chiều dài, bị gãy thân và vỡ đầu cọc.
“Vì vậy, chủ đầu tư và nhà thầu đã có văn bản thống nhất hạng mục đóng cọc tre thực hiện theo hiện trạng nền đất và cam kết sẽ thực hiện nghiệm thu theo thực tế tại hiện trường” - Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn Tạ Đức Minh cho biết thêm.
Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng, đơn vị giám sát ký biên bản xử lý hiện trường đối với hạng mục không thể thi công theo thiết kế ban đầu.
Tuy nhiên, câu chuyện nhiều người quan tâm liên quan đến việc một nhà thầu trúng nhiều dự án trên một địa bàn. Về vấn đề này, luật sư Trịnh Hữu Đức - Văn phòng Luật Hàm Rồng cho biết, trường hợp nhà thầu tham dự nhiều gói thầu trong cùng một thời điểm và nhân sự mà nhà thầu đề xuất cho các gói thầu này trùng nhau thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu vẫn được xem xét, đánh giá.
Vì theo hướng dẫn tại Khoản 2.2 Mục 2 Chương III Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ KH&ĐT, khi tham dự thầu, nhà thầu phải kê khai nhân sự chủ chốt dự kiến huy động để thực hiện gói thầu nếu trúng thầu. Pháp luật về đấu thầu không có quy định cấm nhà thầu kê khai huy động nhân sự giống nhau khi tham dự thầu nhiều gói thầu tại cùng một thời điểm.
“Tuy nhiên, nếu nhà thầu được xếp hạng thứ nhất ở nhiều hơn một gói thầu và thời gian huy động nhân sự để thực hiện các gói thầu này trùng lặp, không bảo đảm huy động đầy đủ nhân sự, thiết bị theo đúng tiến độ, yêu cầu của gói thầu thì được coi là tình huống phát sinh trong đấu thầu theo quy định tại khoản 15 Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, chủ đầu tư chịu trách nhiệm xem xét, xử lý tình huống theo hướng cho phép nhà thầu được lựa chọn một trong những gói thầu mà nhà thầu xếp hạng thứ nhất để vào thương thảo hợp đồng” - luật sư Trịnh Hữu Đức cho hay.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc về sự việc nêu trên.